Sâu răng là bệnh lý răng phổ biến hàng đầu trong cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Vậy trong các cách trị sâu răng, khi nào cần lấy tủy răng? Cách chữa trị nào là tốt nhất ?… Đó là những câu hỏi thường gặp, và sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.
1. Sâu răng là gì?
Sâu răng là bệnh lý phá huỷ mô răng, diễn ra khi vi khuẩn tích tụ trên răng. Chúng sử dụng đường có trong thức ăn mà sinh ra các axit, làm suy yếu phá hủy lớp men răng.
Men răng khi bị phá huỷ, vỡ ra hình thành lỗ trống (lỗ sâu trên răng) dễ tích tụ thức ăn, mảng bám thêm. Theo thời gian, lỗ sâu mở rộng ra tiến tới ngà răng, xâm lấn vào tuỷ răng – nơi chứa thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng cho răng. Khi tủy răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn từ sâu răng gây ra, hoặc do các kích thích từ bên ngoài, tủy răng tổn thương sẽ dễ bị kích thích, gây nên các triệu chứng khó chịu.
2. Tủy răng là gì?
Tủy răng là phần nằm trong cùng, ở giữa răng. Cấu trúc tủy chứa thần kinh và mạch máu, giúp duy trì sự sống của tủy răng. Cũng như dẫn truyền các kích thích tạo nên cảm giác cho răng.
3. Sâu răng gây ảnh hưởng gì đến tủy răng?
Ban đầu, khi sâu răng còn mới hình thành ở lớp men răng ngoài cùng, nó chưa gây ảnh hưởng gì đến tủy răng. Nhưng khi tiến sâu hơn vào lớp ngà răng, sâu răng bắt đầu gây ra các triệu chứng như quá cảm ngà, hay ê buốt răng.
Nếu sâu răng tiếp tục qua được 1/2 lớp ngà răng, vi khuẩn trong lỗ sâu có khả năng tấn công vào tủy răng thông qua các ống ngà. Viêm tủy chính là bệnh lý đầu tiên khi tủy răng bị sâu răng tác động.
Tuy nhiên có hai trạng thái của viêm tủy răng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh:
Viêm tủy hồi phục (Reversible pulpitis)
Là tình trạng viêm diễn ra nhẹ và tủy răng vẫn đủ khỏe mạnh để cứu chữa. Trường hợp này tủy răng có khả năng phục hồi sau các điều trị loại bỏ sâu răng và vi khuẩn, và các biện pháp che chắn bảo vệ tủy răng.
Viêm tủy không hồi phục (Irreversible pulpitis)
Là khi mức độ viêm nhiễm đã diễn ra nặng. Với các triệu chứng như đau, nhức, sưng,…Sự sống của tủy răng không thể hồi phục lại như cũ dù đã làm sạch sâu răng và trám lại.
Viêm tủy không hồi phục có thể dẫn đến dạng nhiễm trùng được gọi là áp xe quanh chóp răng. Vi khuẩn sẽ phát triển lan rộng qua chân răng vào trong xương hàm tạo nên túi mủ (áp-xe). Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có khả năng lan rộng đến các vùng khác của cơ thể như xoang hàm, xương hàm, thậm chí não, tim,…
Tùy vào mức độ xâm lấn của mô sâu đối với vị trí tủy răng. Và tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau của mỗi người, mà có các mức độ khó chịu do răng sâu gây ra khác nhau. Nhưng thường sẽ có các triệu chứng sau:
Khi tủy răng bị ảnh hưởng nhẹ
Đối với trường hợp sâu răng gây nhạy cảm ngà hoặc nặng hơn là tủy răng bị viêm tủy hồi phục.
Các sợi thần kinh trong tủy răng bị tổn thương sẽ trở nên dễ nhạy cảm. Triệu chứng là ê buốt, đau thoáng qua với các kích thích từ bên ngoài. Những yếu tố kích thích là: đồ ăn nhét vào lỗ sâu, ăn nhai đồ cứng, ê khi uống nước nóng/lạnh, thức ăn ngọt/chua,…
Khi tủy răng bị ảnh hưởng nặng
Là khi sâu răng diễn tiến khiến tủy răng bị viêm tủy không hồi phục hoặc nhiễm trùng.
Cảm giác ê buốt, đau nhức sẽ kéo dài thường xuyên hơn. Xuất hiện những cơn đau tự phát dù không có kích thích. Có thể kèm thêm cảm giác lung lay răng, sưng nướu, chảy mủ, thậm chí sưng ngoài mặt, gần vị trí răng bị hư hỏng.
Cảm giác đau này đôi khi không giảm, hoặc chỉ giảm ít khi sử dụng thuốc giảm đau thông thường.
4. Khi nào nên lấy tủy răng?
Đó là khi sâu răng gây tổn thương tủy răng nặng nề:
- Viêm tủy không hồi phục
- Nhiễm trùng tủy răng
- Hoại tử tủy (răng chết tủy)
- Áp xe quanh chóp răng
- Nang quanh chóp và các diễn tiến nặng hơn của nhiễm trùng
Các phương pháp bảo tồn như: che tủy, trám răng, không đáp ứng hiệu quả trong việc hồi phục sự sống tủy răng. Cũng như không làm giảm đi các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Ngược lại, triệu chứng khó chịu đau đớn ngày càng nặng nề.
Khi đó, tủy răng bị hư hỏng nên được loại bỏ. Sau đó, khoang răng chứa tủy bị viêm được làm sạch, và trám bít lại với vật liệu kháng khuẩn. Giúp ngăn ngừa vi khuẩn từ mô tủy răng viêm nhiễm phát triển trở lại.
Sau khi lấy tủy răng viêm nhiễm do bị tổn thương, răng sẽ không còn thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng. Do đó, cảm giác đau cũng sẽ giảm đi. Và bệnh nhân sẽ hết đau hoàn toàn, không còn bị viêm nhiễm trở lại nếu được điều trị lấy tủy răng tốt.
5. So sánh răng còn tủy lành mạnh và răng đã lấy tủy
Vì răng lành mạnh được nuôi dưỡng bởi tủy răng (chứa thần kinh và mạch máu). Nếu được giữ gìn tốt, răng sẽ lành mạnh, đủ chắc khỏe; đảm bảo thẩm mỹ, và hỗ trợ việc ăn nhai được tốt.
Nhưng khi răng đã lấy tủy (răng chết tủy) sẽ xảy ra nhiều hậu quả không mong muốn. Sau đây là các nhược điểm chính của răng đã lấy tủy:
5.1. Giòn và dễ gãy vỡ
Khi bị các lực mạnh tác động vào răng, như: ăn nhai đồ cứng, khui nắp bia, có thói quen nghiến răng,… Sẽ có nguy cơ làm nứt gãy, hoặc tét thân răng, và chân răng đã lấy tủy. Do vậy, răng đã lấy tủy cần được bọc sứ, để gia cố cho phần thân răng thêm cứng chắc.
5.2. Đổi màu đen sậm theo thời gian
Nếu lấy tủy không đúng quy trình và kỹ thuật, tủy viêm còn sót lại trong răng (đặc biệt ở vùng thân răng) sẽ sản sinh ra các chất làm răng bị đổi màu thành xám đen, từ đó gây mất thẩm mỹ . Kèm theo đó, răng sẽ dễ bị viêm nhiễm trở lại.
5.3. Nhiễm trùng tủy răng tái phát
Điều trị lấy tủy với kĩ thuật không tốt như lấy không hết tủy răng viêm nhiễm, bơm rửa không sạch, làm thủng thành răng,… Hoặc phục hồi bên trên răng đã lấy tủy không tốt, không khít sát, sẽ là cơ hội cho vi khuẩn phát triển trở lại và gây viêm nhiễm.
Dẫn đến các triệu chứng khó chịu: đau nhức, chảy mủ,… Hoặc đôi khi, không có bất kì triệu chứng gì, nhưng nhiễm trùng đang ngày càng phát triển bên dưới chân răng.
Vì vậy, bạn cần chủ động tái khám, để được nha sĩ kiểm tra 6 tháng – 1 năm sau khi điều trị lấy tủy. Bác sĩ sẽ khám trên miệng, chụp phim X-quang, kèm các kĩ thuật khác. Điều này giúp bạn theo dõi được tình trạng nhiễm trùng có đang phát triển thêm hay không.
6. Những cách trị sâu răng không lấy tủy?
Điều trị sâu răng không xâm lấn (không khoan)
Khi sâu răng mới hình thành ở giai đoạn sớm, các điều trị đơn giản và ít xâm lấn sẽ có hiệu quả cao, bao gồm:
- Fluor
- Sealant
- Resin infiltration
Trám răng
Trám răng là một phương pháp phục hồi một răng bị tổn thương do sâu răng, chấn thương hoặc mòn răng. Bác sĩ sử dụng một vật liệu nhân tạo để lấp đầy lỗ sâu trên răng.
Trong quá trình trám 1 răng, bác sĩ thường lấy đi những phần răng bị sâu răng suy yếu hoặc tổn thương. Làm sạch vi khuẩn và lấp đầy (trám) lại bằng vật liệu trám răng. Bằng cách đóng lại vùng không gian nơi vi khuẩn tấn công, điều trị làm ngừng tiến trình sâu răng và ngăn ngừa nó quay trở lại.
Trám lót tủy và bảo vệ tủy
Khi sâu răng tiến triển đến giai đoạn gây kích ứng tủy răng, gây quá cảm ngà răng, các cơn ê buốt và đau do kích thích. Chỉ trám răng không đủ để giải quyết được triệu chứng. Thêm nữa, nếu miếng trám có thể hở kẽ và sâu răng tái phát trở lại, tủy răng có thể âm thầm bị tấn công bên dưới miếng trám.
Khi đó, bác sĩ cần sử dụng thêm các điều trị bổ sung như trám lót tủy, trám nền,…bằng các vật liệu khác nhau. Trước khi trám răng phần lỗ sâu lại bằng các vật liệu trám sau cùng.
Điều trị tủy bằng phương pháp che tủy
Khi sâu răng đến mức độ nặng, gây lộ tủy răng hoặc viêm tủy. Các triệu chứng biểu hiện như cơn đau kéo dài và ê buốt nặng.
Lấy tủy răng là giải pháp triệt để kết thúc triệu chứng do viêm tủy. Tuy nhiên quá trình điều trị lấy tủy đôi khi tạo thêm một số sự khó chịu cho bạn, đồng thời sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí. Răng chết tủy cũng không thể bằng răng lành mạnh về nhiều mặt.
Vậy có cách nào bảo vệ được tủy răng khi tủy răng bị tổn thương, mà không phải lấy tủy răng?
Đó là các phương pháp che tủy, có tác dụng bảo vệ sự lành mạnh của tủy răng. Có 2 loại là điều trị che tủy gián tiếp và trực tiếp, với nhiều loại vật liệu và phương pháp khác nhau. Tuy nhiên cách này có chỉ định hạn chế và phải có tình trạng răng phù hợp, thì tỷ lệ thành công mới cao.
Các phương pháp này thường chỉ có ở các cơ sở điều trị nha khoa hiện đại, có trang bị vật liệu và kĩ thuật mới. Bác sĩ có chuyên môn sâu về điều trị tủy, kinh nghiệm tốt sẽ chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị chính xác tùy tình trạng sâu răng.
Vậy phương pháp che tủy là gì? Khi nào có thể thực hiện che tủy mà không phải lấy tủy? Chi phí có đắt không? Có đau không?…
Hãy đón xem phần tiếp theo về phương pháp che tủy. Phương pháp cứu sống răng và giúp lành thương tủy răng trong nhiều trường hợp.
chao bs, ran da tram ma rot mieng tram ra ma thay co mui hoi lieu con tram de giu rang duoc khong a
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi 🙂
Răng đã rớt miếng trám nếu được phục hồi lại sớm, khả năng giữ răng càng cao. Vì các mảnh vụn thức ăn dễ lắng đọng và tích tụ, đó là nơi lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động. Sự hoạt động của vi khuẩn dẫn đến mùi hôi, và sâu răng sẽ dễ phát triển trở lại từ vị trí này.
Nếu răng của bạn chưa bị tổn thương tuỷ hoặc bị viêm tuỷ có khả năng hồi phục. Thì chỉ cần trám lại miếng trám mới ( có thể kết hợp che tuỷ để bảo vệ tuỷ).
Nếu răng của bạn bị tổn thương tuỷ không có khả năng hồi phục. Thì cần điều trị lấy tuỷ trước, sau đó sẽ trám hoặc bọc sứ tuỳ mức độ hư hỏng mô răng.
Nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng thực tế răng trên miệng, kèm chụp phim x-quang, cũng như các kĩ thuật chuyên môn khác, để đánh giá mức độ tổn thương răng hiện tại mà đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chao Bs, chau nha toi 5 tuoi bi sau thi co tram duoc khong a
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi 🙂
Bé 5 tuổi đã có thể trám răng được rồi ạ. Tuỳ vào răng đó là răng sữa hay răng vĩnh viễn, mức độ sâu nhiều hay ít, ảnh hưởng tuỷ răng hay chưa, mà nha sĩ sẽ quyết định điều trị trám răng, hoặc có các điều trị khác phù hợp ạ.