4.6/5 - (9 bình chọn)

Sâu răng, chấn thương gãy mẻ răng,.. gây tổn thương tủy răng nhưng không quá nặng, thì che tủy răng sẽ là biện pháp cứu sống tủy răng hiệu quả mà không cần phải lấy tủy răng. Vậy phương pháp che tủy thần kì như thế nào? Hãy cùng nha khoa Eden tìm hiểu qua bài viết dưới đây các bạn nhé.

Che tủy răng
Che tủy răng là một trong các điều trị tủy giúp cứu sống và bảo vệ tủy khỏi sâu răng. Ảnh: internet.

1. Che tủy răng là gì?

Che tủy răng là một cách trị sâu răng và cứu sống tủy răng trong trường hợp tủy răng chưa bị tổn thương nặng nề, chưa trở nên viêm nhiễm gây đau dữ dội, hoặc kéo dài (viêm tủy không hồi phục).

Che tủy sử dụng các vật liệu có tính tương hợp sinh học cao: Canxi hydroxit, Dycal, Theracal, MTA, Biodentin,… Có tác dụng như lớp che chở, bảo vệ cho tủy răng; tạo điều kiện tốt cho tủy răng hồi phục trở lại; làm giảm đau ê và các triệu chứng gây khó chịu khác. Đồng thời, giảm khả năng bị sâu tái phát cho răng.

che tủy răng sâu
Minh họa điều trị che tủy ở răng sâu sát tủy.

2. Tại sao che tủy là cần thiết?

Lấy tủy răng sẽ giúp cứu giữ răng và tránh việc nhổ răng, nhưng phần tủy răng đã mất và răng trở thành răng chết tủy.

Che tủy răng sẽ giúp giữ lại tủy răng, giảm đau và các triệu chứng khác. Đồng thời duy trì sự sống của răng.

Có nhiều lợi ích mà bạn và nha sĩ nên chọn phương pháp che tủy răng thay vì điều trị lấy tủy răng. Những lợi ích của việc che tủy, như: 

  • Bảo vệ thần kinh, mạch máu của tủy răng.
  • Sát khuẩn, ngăn ngừa sâu răng.
  • Tái tạo ngà răng
  • Giúp giữ răng sống lành mạnh, có cảm giác khi ăn nhai, với nóng lạnh,…
  • Giảm triệu chứng đau ê hiệu quả.
  • Chi phí thấp hơn toàn bộ chi phí lấy tủy và phục hồi răng sau khi lấy tủy; hoặc thấp hơn toàn bộ chi phí nhổ và trồng răng.
tiết kiệm chi phí nha khoa
Chi phí che tủy thấp hơn toàn bộ chi phí lấy tủy và phục hồi răng sau khi lấy tủy; hoặc thấp hơn toàn bộ chi phí nhổ và trồng răng. Ảnh: internet.
  • Thời gian thực hiện nhanh chóng hơn lấy tủy răng hoặc nhổ răng.
  • Ít đau đớn hơn so với lấy tủy răng hoặc nhổ răng.

3. Các phương pháp che tủy răng

Phương pháp che tủy được thực hiện với vật liệu và quy trình đa dạng, có hiệu quả cao, để bảo tồn sự sống của tủy răng, và tạo ra mô cứng sát tủy để bảo vệ tủy răng. Có 2 phương pháp che tủy răng, đó là:

3.1. Che tủy trực tiếp:

Khi tủy răng đã bộc lộ ra bên ngoài, có thể thấy được phần tủy răng hoặc điểm chảy máu. Nguyên nhân thường do sâu răng, chấn thương, hoặc khi sửa soạn răng để làm răng sứ,…

Vật liệu che tủy tương hợp sinh học cao như: MTA, Biodentin,…sẽ được đặt trực tiếp lên vùng lộ tủy, sau khi được làm sạch, sát khuẩn và cầm máu. Phương pháp che tủy trực tiếp có tỷ lệ thành công càng cao nếu được thực hiện càng sớm sau khi tủy răng bị lộ.

quy trình che tủy trực tiếp
Minh họa tủy bị lộ và che tủy trực tiếp

3.2. Che tủy gián tiếp:

Khi tổn thương do sâu răng, hay chấn thương tai nạn xâm lấn gần đến vị trí tủy răng. Nhưng tủy răng chưa bộc lộ ra, không thấy được phần tủy răng, không chảy máu.

Vật liệu che tủy như: Canxi hydroxit, Dycal, Theracal, MTA, Biodentin,…sẽ được đặt lên phần sâu nhất của tổn thương ( đáy xoang sâu). Để ngăn ngừa sự bộc lộ tủy răng, hay các sang chấn ảnh hưởng lên tủy răng từ môi trường bên ngoài.

quá trình che tủy gián tiếp
Minh họa sâu răng và che tủy gián tiếp

Để tránh nguy cơ bị lộ tủy khi đào sạch, hay loại bỏ hoàn toàn mô sâu sát tủy, một số nha sĩ sẽ chọn che tủy gián tiếp thay vì che tủy trực tiếp. Khi đó, nha sĩ sẽ loại bỏ một phần mô sâu, để lại phần ngà răng bị sâu gần tủy, và tiến hành đặt vật liệu che tủy lên trên, sau đó trám tạm. Sau khoảng 4-12 tháng, nha sĩ sẽ loại bỏ miếng trám tạm và vật liệu che tủy, để kiểm tra phần ngà bị sâu sát tủy trước đó. Thành công của điều trị là khi, ngà răng bị sâu trở nên cứng chắc hơn, và đổi màu thành nâu sẫm ( ngà khoáng hóa tốt), bệnh nhân không có các triệu chứng viêm tủy, hay khó chịu khác.

Kỹ thuật đòi hỏi đánh giá chính xác của nha sĩ trước khi thực hiện, cũng như kiến thức và kinh nghiệm thực hiện để tăng khả năng thành công.

Một số nghiên cứu cho thấy răng được phục hồi với việc loại bỏ sâu răng một phần (với che tủy gián tiếp), có thành công tương đương so với răng được phục hồi với việc loại bỏ răng sâu hoàn toàn.

Nha sĩ sẽ thực hiện trong 1-2 lần hẹn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, loại vật liệu che tủy được lựa chọn, kỹ thuật thực hiện, và thời gian trống của bệnh nhân cũng như nha sĩ.

4. Che tủy thực hiện như thế nào?

Che tủy được thực hiện theo một số bước chính:

Bước 1: Chuẩn bị và đặt đê cao su

  • Đầu tiên, nha sĩ sẽ đặt đê nha khoa để cô lập nước bọt, dịch nướu,…đi vào vùng răng tổn thương. Nhằm hạn chế vi khuẩn gây viêm nhiễm đi vào tủy răng. Giúp việc che tủy diễn ra thuận lợi, tạo thoải mái cho cả bệnh nhân và nha sĩ.
đặt đê cô lập nha khoa
Đặt đê cao su nha khoa cô lập răng khỏi vi khuẩn. Ảnh: nha khoa Eden.

Bước 2: Loại bỏ mô sâu và cầm máu

  • Tiến hành đào sạch, loại bỏ mô sâu răng sát tủy. Nếu trong quá trình loại bỏ mô sâu sát tủy có phát hiện tủy chảy máu, thì nha sĩ sẽ tiến hành cấm máu để máu từ tủy chảy ra có thể ngưng chảy.

Bước 3: Sát khuẩn vùng răng sẽ được che tủy

Bước 4:Đặt vật liệu che tủy lên vùng tủy tổn thương.

Bước 5: Trám kết thúc

Tùy theo vật liệu che tủy sẽ có thời gian đông cứng khác nhau. Sau khi đông cứng, vật liệu che tủy cần được trám thẩm mỹ lên trên:

  • Đối với vật liệu che tủy có thể đông cứng nhanh hoặc cứng dưới ánh sáng đèn chiếu nha khoa: Chỉ sau 20 giây chiếu đèn, vật liệu che tủy đã đông cứng, và nha sĩ có thể trám thẩm mỹ hoàn tất với vật liệu chịu lực cao, như Composite.
  • Đối với vật liệu che tủy có thời gian đông cứng tự nhiên lâu hơn: 3-6 tiếng. Nha sĩ sẽ tiến hành trám tạm, để có thời gian cho vật liệu đông cứng hoàn toàn. Và sẽ hẹn bạn lần hẹn khác, nhanh nhất là sau 1 buổi. Để thực hiện trám hoàn tất với vật liệu trám thẩm mỹ hơn.
thời gian thực hiện che tủy
Minh họa thời gian để thực hiện hoàn tất che tủy có thể rất khác nhau. Ảnh: internet.

Nếu thực hiện đúng chỉ định, vật liệu, kĩ thuật, răng của bạn sẽ dần dần giảm ê buốt hoặc đau nhức. Mô cứng bảo vệ tủy (ngà răng thứ cấp) sẽ dần được hình thành từ 1-3 tháng. Thay thế cho phần mô cứng sát tủy bị mất do sâu răng phá hủy.

5. Tại sao cần trám răng sau khi thực hiện che tủy?

Vật liệu che tủy với độ pH cao, có khả năng phục hồi tủy răng. Tuy nhiên, độ cản quang của vật liệu che tủy cao, dẫn đến vẻ ngoài có màu trắng đục, gây mất thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, một số vật liệu che tủy: Dycal, Theracal,…chỉ có tác dụng bảo vệ tủy, không đóng vai trò như một phục hồi chính thức vì độ cứng không cao và một số khuyết điểm khác. Thế nên, cần thay thế mô răng bị mất bên trên sau khi che tủy, bằng vật liệu có độ cứng cao hơn.

trám răng thẩm mỹ bằng composite
Trám răng thẩm mỹ bằng composite tại nha khoa EDEN.

Trám răng thẩm mỹ với composite sẽ đem lại màu sắc tự nhiên, độ cứng cao, độ khít sát với mô răng tốt, giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập trở lại xuống phía dưới vùng tủy tổn thương đã được che tủy.

6. Răng nào có thể thực hiện che tủy?

Để che tủy, bảo vệ tủy răng tăng khả năng thành công, có một số tiêu chí được đánh giá trước khi thực hiện:

  • Sâu răng sát tủy gây ê đau ít, chưa làm lộ tủy răng.
  • Hoặc sâu răng đã xâm lấn vào tủy răng. Nhưng mức độ ít, vùng lộ tủy nhỏ (< 1mm2). 
  • Tủy răng vẫn còn sống, chưa bị nhiễm trùng nặng (máu từ tủy răng chảy ra có thể cầm được, không bị chảy máu kéo dài).
khám răng sâu
Minh họa răng cần được bác sĩ kiểm tra và đánh giá kỹ có thể che tủy được hay không. Ảnh: internet.
  • Răng không có dấu hiệu viêm nhiễm hay áp-xe.
  • Mô răng bị phá hủy do sâu răng không nhiều. Có thể phục hồi bằng kĩ thuật trám thông thường, hoặc bọc sứ (Vì nếu răng bể quá nhiều, cần cắm chốt vào răng để lưu giữ phục hồi thì việc điều trị lấy tủy có thể được thực hiện thay thế)
  • Nha khoa có trang bị vật liệu che tủy tốt, quy trình thực hiện che tủy đúng cách và hiệu quả.

Đủ các điều kiện trên, răng đang bị sâu sát tủy hoặc lộ tủy có khả năng được thực hiện che tủy. Khả năng thành công để cứu sống tủy răng sẽ cao.

7. Răng nào không thể thực hiện che tủy?

  • Sâu răng đã xâm lấn vào tủy răng. Ở mức độ nhiều, tủy răng bị chảy máu kéo dài, dù đã loại bỏ bớt phần tủy viêm trên cùng nhưng vẫn không thể cầm máu được.
  • Răng đau cả khi ngủ, hay khi làm việc bình thường. Hoặc đau răng kéo dài lâu hết.
  • Răng đã bị chết tủy. 
sâu răng gây nhiễm trùng chân răng
Sâu răng gây nhiễm trùng chân răng.
  • Răng có dấu hiệu viêm nhiễm hay áp-xe. 
  • Răng bị can-xi hóa buồng tủy.
  • Mô răng bị sâu răng, hay chấn thương gây hư hỏng nhiều. Không thể phục hồi răng bằng kỹ thuật trám thông thường, mà cần đặt chốt vào răng để tăng sự lưu giữ phục hồi. Lúc này điều trị lấy tủy nên được thực hiện.
  • Những bệnh nhân có các bệnh lý: tiểu đường, ung thư, rối loạn chảy máu khó cầm,… không nên sử dụng phương pháp che tủy, khi tủy đã lộ ra (lộ điểm chảy máu tủy) và tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

8. Che tủy răng có phải luôn thành công?

Một số bệnh nhân chọn phương pháp che tủy vì họ sợ việc lấy tủy răng. 

Tuy nhiên, phương pháp che tủy vẫn có thể thất bại. Và khi đó, việc lấy tủy răng, hoặc nhổ răng sẽ được tiến hành thay thế. Điều đó đi kèm chi phí có thể cao hơn, tốn nhiều thời gian tới nha sĩ hơn.

Điều trị lấy tủy răng hiện đại, được thực hiện ở các phòng khám trang bị kĩ thuật tốt, sẽ không còn đau đớn hay kéo dài như cách đây vài chục năm nữa.

răng sâu và răng lành mạnh
Răng lành mạnh so với Răng sâu 

8.1. Yếu tố ảnh hưởng thành công che tủy

Ngoài các tiêu chí đánh giá việc che tủy như đã kể trên. Còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng như: độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mức độ tổn thương của răng,…và loại vật liệu che tủy, hay kĩ thuật che tủy nào được thực hiện.

Ví dụ: Che tủy cho răng sữa có tủy bị chảy máu (sâu răng đã vào đến tủy răng), thường không được khuyến khích thực hiện cho trẻ nhỏ. Vì có tỷ lệ thành công thấp. 

Tỉ lệ che tủy thành công cao trên răng vĩnh viễn được báo cáo nhiều ở độ tuổi bệnh nhân trẻ. Do hệ thống tuần hoàn tủy răng tốt, và ổn định, cho phép lượng lớn các tế bào miễn dịch tới vùng tổn thương để sửa chửa, tạo sự lành thương tủy răng được tốt hơn.

8.2. Nếu che tủy thất bại thì nên làm gì?

Sau khi điều trị che tủy hoàn tất, nếu bệnh nhân có triệu chứng đau ê ngày càng tăng, không giảm, khả năng che tủy đã thất bại là cao, điều trị lấy tủy nên được thực hiện.

phòng khám nha khoa
Điều trị nào cũng có tỷ lệ thất bại, do đó bệnh nhân cần được giải thích và cân nhắc kỹ trước khi làm. Ảnh: internet.

Nhằm tiên lượng khả năng thành công việc điều trị che tủy là cao hay thấp, có thể thực hiện được hay không, thực hiện như thế nào. Nha sĩ cần thăm khám và kiểm tra kĩ càng, dựa vào nhiều yếu tố. Kết hợp các kĩ thuật chẩn đoán khác nhau: thử điện, thử nhiệt, chụp phim X-quang,…Cùng với kinh nghiệm và hiểu biết đặc tính của các vật liệu che tủy, để có chỉ định và tiên lượng kết quả điều trị thật chính xác.

Tại EDEN, chúng tôi luôn trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và vật liệu tốt nhất cho các điều trị che tủy và lấy tủy răng. Cùng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, tâm huyết, nha khoa EDEN luôn cố gắng gìn giữ răng thật và tủy răng lành mạnh cho bạn. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bạn trong trạng thái khỏe mạnh, thoải mái và hạnh phúc hơn.


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Đăng Ký Gói Trải Nghiệm 0Đ