Chữa sâu răng là các điều trị nha khoa phổ biến và có khá nhiều phương pháp hiện nay. Dù là trẻ con hay người lớn, chắc hẳn các bạn đã trải qua một vài lần đau răng do sâu răng. Bài viết này sẽ giới thiệu về các cách chữa răng sâu hiện đại được cập nhật mới nhất và được cộng đồng y học nha khoa công nhận đến nay.
Chữa sâu răng thường được đánh đồng với điều trị trám răng, thực tế nó có rất nhiều phương pháp tùy vào tình trạng răng của bạn. Sâu răng được điều trị càng sớm, răng sẽ càng phục hồi nhanh chóng.
Sâu răng nếu không được điều trị, nó sẽ ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng. Chúng có thể dẫn đến đau răng nghiêm trọng, nhiễm trùng và mất răng. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị sâu răng dưới đây.
1. Chữa sâu răng bằng cách bôi SDF
Chữa sâu răng cho răng sữa đang là vấn đề được thảo luận sôi nổi hàng đầu vì trẻ em đang rất cần được quan tâm.
Silver diamine fluoride (SDF) là một loại thuốc có tác dụng ngăn chặn và dự phòng sâu răng sữa rất hiệu quả đã được cấp phép sử dụng ở rất nhiều quốc gia tiên tiến. Được sử dụng đầu tiên ở Nhật 1960. Hiện nay, SDF được cấp phép sử dụng ở Mỹ năm 2014, Canada năm 2017.
Tác dụng
Ngăn chặn sâu răng, điều trị sâu răng và giảm nhạy cảm ngà răng.
Quy trình thực hiện đơn giản
- Bước 1: làm sạch bề mặt răng bằng bàn chải đánh răng
- Bước 2: cách ly bề mặt răng sâu cần bôi bằng gòn và ống hút nước bọt (nếu có)
- Bước 3: làm khô về mặt răng bằng gòn, hoặc bằng ống xịt hơi
- Bước 4: nhỏ SDF vào đĩa nhựa nhỏ, dùng cây chổi bông nhúng vào SDF, rồi bôi trực tiếp lên bề mặt răng sâu. Sau đó dùng gòn lấy phần SDF dư.
- Bước 5: giữ cho miệng của trẻ mở to trong khoảng 3 phút trên ghế nha khoa (Theo TS.BS NGUYỄN THỊ HOÀNG YẾN- ĐHYD HUẾ)
Ưu điểm
Dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí, thời gian, chỉ cần thực hiện 1 lần và đảm bảo an toàn.
Nhược điểm
Vùng răng bị bôi sẽ nhiễm màu đen, không thể làm trắng được nên chỉ thực hiện ở răng sữa phía sau.
2. Chữa sâu răng với Vecni Fluor
Vecni fluor là giải pháp được thực hiện cho trẻ để bảo vệ răng trước sự tấn công của vi khuẩn và ngăn ngừa sâu răng. Bạn chỉ cần bôi trực tiếp lên toàn bộ bề mặt hàm răng sữa là có thể giúp tạo một lớp màng bảo vệ răng và tăng cường tái khoáng hóa cho men răng.
Chữa sâu răng ở những răng sâu mới chớm trên men. Những sang thương này biểu hiện bằng đốm trắng khi thổi khô có thể điều trị với tái khoáng hóa bằng Vecni Fluor. Điều trị này đơn giản, dễ thực hiện, có thể làm nhiều lần và chi phí thấp.
Cách sử dụng Vecni Fluor
- Bước 1: Thổi khô răng.
- Bước 2: Bôi Vecni lên bề mặt tổn thương sâu răng đốm trắng
- Bước 3: Đợi trong vòng 1-2 phút.
- Bước 4: Ăn uống lại sau 4-6 tiếng.
Nhược điểm: chỉ thực hiện ở những răng mới phát hiện sâu răng trong quá trình khám răng định kỳ, không thể tiến hành trên các sâu răng đã tiến triển nặng (đã tạo lỗ sâu).
3. Resin infiltration – Resin thẩm thấu
Là phương pháp chữa sâu răng tiên tiến mới nhất sử dụng vật liệu thẩm thấu TEGDMA-based resin. Chỉ định cho các trường hợp sâu răng mới chớm dạng sang thương đốm trắng, sâu răng sớm vùng kẽ răng và đốm trắng răng thẩm mỹ (nhiễm fluor),…
Ưu điểm của phương pháp:
- Không dùng đến tay khoan, không tạo lỗ trám
- Không xâm lấn mất mô răng, bảo toàn nguyên vẹn răng
- Liệu pháp rất thẩm mỹ cho vị trí sang thương ở mặt răng phía trước
- Nhanh chóng, đơn giản, không cần gây tê răng
Các bệnh nhân niềng răng mắc cài, trẻ em, người có nguy cơ sâu răng cao,… là những đối tượng có nhiều ‘sang thương mất khoáng’ có thể điều trị an toàn và bảo tồn mô răng với resin infiltration.
4. Trám răng thẩm mỹ composite
Trám răng thẩm mỹ composite là phương pháp phổ biến nhất để chữa sâu răng ở nhiều mức độ. Tùy theo vị trí, kích thước, hình dáng lỗ sâu mà bác sĩ có thể lựa chọn loại phương pháp và vật liệu phù hợp.
Hiện nay, trám răng đã được nâng cấp lên một phiên bản hoàn toàn mới không chỉ để chữa sâu răng mà còn mang lại cho chúng ta vẻ đẹp thẩm mỹ toàn vẹn. Trong đó, trám răng bằng vật liệu composite đang rất phổ biến hiện nay do nó hoàn toàn giống với răng thật.
Ưu điểm:
– Chi phí thấp
– Tính thẩm mỹ cao: có độ bóng và màu giống với màu răng tự nhiên.
– Liên kết với cấu trúc răng: vật liệu trám composite thực sự liên kết vi lưu cơ học với cấu trúc răng, hỗ trợ thêm cho răng về độ cứng và độ bền của miếng trám.
– Đa dạng: có thể được sử dụng để sửa chữa các răng bị sứt mẻ, gãy hoặc mòn.
– Trám theo phương pháp xâm lấn tối thiểu. Ít lấy đi mô răng nhất.
Nhược điểm
– Dễ bong tróc ở 1 số vị trí đặc biệt như cổ răng.
– Bị nhiễm màu thức ăn –> cần thay mới sau khi răng bị đổi màu hay mòn.
– Độ bền trung bình: bị mòn sớm hơn trám gián tiếp, sứ hay vàng.
5. Trám răng inlay sứ
Có những vị trí răng sâu quá lớn, tuy chưa ảnh hưởng đến tủy răng nhưng không thể tái tạo bằng miếng trám composite được. Có nhiều lý do mà bác sĩ và bệnh nhân cần cân nhắc lựa chọn inlay sứ đó là: độ bền của phục hồi, khả năng thực hiện chức năng và tuổi thọ.
Có nhiều loại vật liệu để thực hiện trám răng gián tiếp bằng inlay như: vàng, kim loại bán quý, composite, sứ,..Trong đó inlay sứ đáp ứng được cả nhu cầu về thẩm mỹ và chức năng.
6. Lấy tủy răng một lần hẹn
Nếu răng đã bị sâu đến tủy, lấy tủy là điều trị nên làm. Với tiến bộ ngày nay, các phòng khám hiện đại có thể hoàn tất việc lấy tủy răng chỉ trong 1 lần hẹn, và hoàn toàn không đau dưới tác dụng của thuốc tê răng.
Các biểu hiện của việc răng sâu vào tủy có thể là:
- Răng đau buốt trên 5 phút khi uống nước nóng hoặc lạnh.
- Đau răng vào ban đêm, thậm chí đang trong giấc ngủ.
- Ăn uống gây đau răng.
- Đau răng gây sưng mặt, lan lên tai và trán.
- Đau theo nhịp đập của tim.
- Có sưng hay dò mủ trong miệng.
Các bước điều trị tủy
- Bước 1: Chuẩn bị và gây tê.
- Bước 2: Lấy sạch phần răng sâu, tái tạo sơ khởi.
- Bước 3: Lấy tủy và tạo dạng ống tủy, bơm rửa sát khuẩn.
- Bước 4: Trám bít theo 3 chiều không gian.
- Bước 5: Tái tạo sau điều trị tủy.
7. Chữa sâu răng bằng cách bọc răng sứ
Có thể các bạn nghe nhiều về bọc răng sứ là một điều trị thẩm mỹ răng. Thực tế nó cũng là một điều trị để chữa sâu răng, cũng như để phục hồi các răng bị hư hại nặng vì sâu răng, chấn thương. Nếu răng bị sâu phá hủy phần lớn bề mặt, khó có thể trám tái tạo lại tốt được. Lúc đó, lựa chọn tốt hơn hết là bọc (chụp) nó lại bằng 1 mão răng sứ.
Hiện nay, việc bọc răng sứ không còn xa lạ nữa nhưng làm thế nào cho chất lượng và thẩm mỹ thì chúng ta cần nên cân nhắc. Các vật liệu sử dụng, kỹ thuật cũng như tay nghề của bác sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sau cùng.
Có nhiều loại sứ trên thị trường nhưng phần lớn chia vào các nhóm:
- Zirconia: cứng chắc, màu hơi đục, phù hợp với răng sau (răng hàm)
- Sứ thủy tinh: có độ trong và cho hiệu ứng giống như răng thật nhưng chịu lực hơi kém, thường dùng cho răng cửa
- Sứ kim loại: thẩm mỹ tương đối nên thường dùng cho răng sau (răng hàm)
- Sứ đắp trên sườn Zirconia: thẩm mỹ tốt, độ chịu lực khá, áp dụng được cho hầu hết vị trí răng
8. Nhổ bỏ răng sâu với nhổ răng không sang chấn
Một số trường hợp chữa sâu răng nhưng ta không thể giữ răng lại mà phải nhổ bỏ. Đó là:
- Những răng không có chức năng: răng khôn, răng dư, răng dị dạng.
- Những răng bị sâu quá lớn mà không thể tái tạo bằng trám răng hay răng sứ.
- Những răng có chân răng dị dạng, bị sâu đến tủy và không thể lấy tủy tốt được.
Đối với những răng đó, điều trị tiên tiến nhất là nhổ răng không sang chấn. Nghĩa là nhổ răng mà không ảnh hưởng đến các cấu trúc xung quanh, cũng không gây sưng đau và chảy máu nhiều sau nhổ.
Việc sử dụng bộ nạy không sang chấn và máy nhổ răng không sang chấn (piezo) giúp giảm thiểu chấn thương trong quá trình nhổ răng. Bên cạnh đó, còn giảm nhẹ sự khó chịu cho bệnh nhân, giảm đau sau nhổ.
Kết Luận
Có nhiều biện pháp để điều trị chữa sâu răng rất khoa học và hiện đại. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp nào thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Bạn không nên tự điều trị liên tục tại nhà bằng nước muối hoặc lá thuốc vì phần lớn không có tác dụng thực tế. Tốt hơn hết, bạn nên đi bác sĩ để thăm khám và điều trị để bảo vệ tốt cho sức khỏe răng miệng của mình.
Cách tốt nhất để bảo vệ răng là thực hiện các phương pháp ngừa sâu răng hiệu quả như: dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, chải răng đúng cách và bạn cũng nên ngừa sâu răng bằng flour tại các nha khoa uy tín.
Bài viết đầy đủ và hay quá. Cảm ơn tác giả