1. Cạo vôi răng là gì?
Cạo vôi răng là phương pháp mà bác sĩ lấy đi những mảng bám răng và vôi răng tích tụ trên bề mặt răng, nhằm bảo vệ răng khỏi viêm nướu, bệnh nha chu và sâu răng.
Cạo vôi răng là một điều trị phòng ngừa được thực hiện bởi bác sĩ Răng Hàm Mặt, để sức khỏe răng miệng của bạn luôn được ổn định và ở trạng thái tốt nhất. Đồng thời cạo vôi răng là điều trị chỉ định đầu tiên cho các bệnh lý như viêm nướu, bệnh nha chu mãn tính và cấp tính.
Cạo vôi răng cũng thường được gọi là lấy cao răng, lấy vôi răng, clean răng, làm sạch răng,…
Cạo vôi răng tiếng Anh là gì? – Teeth cleaning hoặc teeth scaling.
Dù bạn có thể tự làm sạch răng hằng ngày với bàn chải, kem đánh răng và chỉ nha khoa. Thì bạn vẫn cần sự làm sạch kỹ lưỡng và sâu hơn bởi bác sĩ nha khoa định kỳ. Đó là bởi vì chải răng thông thường không hoàn toàn làm sạch được mảng bám răng và vôi răng đã bám chặt vào răng. Một khi chúng đã bám lâu ngày thì thường dẫn đến bệnh viêm nướu và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là Vôi Răng và Mảng Bám Răng là gì? Và thế nào là bệnh viêm nướu?
Mảng bám răng là gì?
Trước khi nhắc đến vôi răng (calculus) thì đầu tiên phải nói đến mảng bám răng (dental plaque).
Mảng bám răng là 1 lớp mềm không màu, bám dính vào răng và chứa rất nhiều vi khuẩn nên còn được gọi là mảng bám vi khuẩn. Mảng bám răng được hình thành sau khi ăn 4 giờ, là sự kết hợp của thức ăn – nước bọt – vi khuẩn. Sự tích tụ dày của lớp này là nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng và viêm nướu.
Mảng bám răng có thể được lấy đi dễ dàng sau khi ăn dưới 12 tiếng đồng hồ. Bằng biện pháp vệ sinh như chải răng và dùng chỉ nha khoa. Chúng trở nên khó làm sạch nếu để lâu, đặc biệt ở vùng kẽ răng.
Vôi răng là gì?
Vôi răng hay cao răng là lớp mảng bám răng để lâu không được làm sạch đã trở nên cứng hơn. Vôi răng bản chất là một lớp tinh thể calcium phosphate tích tụ. Có thể hình dung nó tương tự lớp cặn thường tích tụ trong ống nước kim loại hoặc ấm đun nước.
Hầu hết trường hợp vôi răng sẽ có màu vàng hoặc gần giống màu răng nên không gây chú ý. Nhưng cũng có trường hợp có màu nâu hoặc đen… nhất là với người hút thuốc.
Vôi răng tích tụ nhiều thường dẫn đến các biểu hiện trên miệng như: hôi miệng, tụt nướu (tụt lợi), hoặc viêm nướu và các triệu chứng của nó.
Bạn có thể làm sạch mảng bám răng bằng bàn chải nhưng không thể đối với vôi răng. Nếu vôi răng lâu ngày không được lấy đi, nó trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Vôi răng làm cản trở việc vệ sinh răng miệng thông thường như dùng bàn chải và chỉ nha khoa. Chúng làm tăng thêm mảng bám trên răng và dẫn đến viêm nướu.
Viêm nướu là gì?
Viêm nướu hay viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm của nướu (lợi) quanh răng do vi khuẩn. Nó thường diễn ra bởi sự tích tụ quá nhiều xung quanh răng lớp mảng bám chứa thức ăn và vi khuẩn.
Viêm nướu là dạng bệnh thường gặp và nhẹ nhất của bệnh lý nha chu (nha chu là tất cả những phần mô xung quanh răng như nướu, xương ổ răng, dây chằng nha chu, xê măng chân răng,…). Biểu hiện chính của viêm nướu là chảy máu nướu, sưng, và viêm đỏ.
Thực tế là bệnh viêm nướu thường bị bỏ qua, nhưng theo ADA thì nó rất cần được chú ý và phải được điều trị. Vì nó có thể rất nhanh chóng dẫn đến bệnh lý gọi là viêm nha chu, gây lung lay răng và làm mất răng.
2. Khi nào cần phải cạo vôi răng?
Cạo vôi răng định kỳ
Tất cả mọi người đều được khuyên là phải được cạo vôi răng và làm sạch răng kỹ lưỡng chuyên nghiệp 6 tháng 1 lần, theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA). Nếu những bệnh nhân có sẵn các vấn đề răng miệng thì còn phải được thực hiện thường xuyên hơn (3-4 tháng).
Sau khi được cạo vôi răng và đánh bóng răng, bề mặt răng sạch sẽ láng bóng khiến vi khuẩn khó bám vào. Nhờ vậy mà mảng bám răng mới được hình thành sau ăn sẽ dễ dàng bị bàn chải đánh răng hoặc chỉ nha khoa lấy đi.
Cạo vôi răng định kỳ giúp bạn phòng ngừa bệnh lý viêm nướu và rất nhiều bệnh răng miệng khác.
Điều trị viêm nướu răng
Thông thường sau khi khám răng miệng tổng quát, nếu bác sĩ thấy các dấu hiệu viêm nướu thì sẽ chỉ định cho bạn cần phải điều trị lấy cao răng để điều trị. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị nha chu khác cũng được bác sĩ chỉ định thêm nếu cần.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm nướu mà bạn cần phải được cạo vôi răng ngay:
- Nướu (lợi) viêm đỏ
- Sưng nướu
- Chảy máu nướu
- Vôi răng nhiều có thể thấy được
- Hôi miệng
- Đau nướu/ Áp-xe nướu
3. Cạo vôi răng có tốt không?
Cạo vôi răng không chỉ là một điều trị được chỉ định khi cần trị bệnh viêm nướu, nó còn cải thiện sức khoẻ răng miệng và tăng tuổi thọ cho tất cả các răng của bạn.
5 lợi ích của cạo vôi răng
Giúp hàm răng sạch sẽ và sáng bóng hơn
Răng sẽ bị bám vết dính và sậm màu do thức ăn nước uống. Cạo vôi răng lấy đi vôi răng và vết dính hình thành theo thời gian tích tụ trên răng. Sau đó răng được đánh bóng để làm nhẵn láng bề mặt để trắng sáng hơn. Không có cách nào nhanh chóng và hiệu quả lập tức làm răng bạn sáng bóng hơn được việc làm sạch vôi răng chuyên nghiệp bởi nha sĩ.
Hôi miệng được kiểm soát
Cách tốt nhất để giảm thiểu hơi thở có mùi là vệ sinh răng miệng tốt. Chải răng tốt mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mới đáp ứng cơ bản việc vệ sinh răng miệng. Bạn phải được nha sĩ cạo vôi định kỳ để hơi thở không có mùi đồng thời có sức khoẻ răng miệng ổn định.
Cạo vôi răng phòng ngừa được sâu răng
Như bạn đã biết, mảng bám trên răng là 1 phần nguyên nhân gây ra sâu răng. Chúng tạo môi trường cho vi khuẩn tấn công bề mặt men răng của bạn. Lấy cao răng giúp làm sạch hiệu quả ở các vị trí khó làm sạch, làm giảm khả năng bám dính của mảng bám. Do đó khi kết hợp với việc chải răng đúng cách, sâu răng sẽ được phòng ngừa hiệu quả.
Giảm nguy cơ mất răng sớm
Cạo vôi răng là điều trị định kỳ đơn giản giúp phòng ngừa bệnh lý nha chu. Nguyên nhân lớn nhất gây mất răng ở người trưởng thành. Hình thành thói quen chăm sóc răng tốt khi còn trẻ sẽ giúp bạn không phải mất răng lúc lớn tuổi. Điều gây tốn kém chi phí nhất và giảm chất lượng cuộc sống.
Sức khỏe toàn thân cải thiện
Có một mối liên hệ rất lớn giữa sức khoẻ toàn thân với sức khoẻ vùng răng miệng. Giữ răng sạch và không bị bệnh lý viêm nướu nha chu sẽ giúp phòng ngừa đáng kể nguy cơ bị tiểu đường & tim mạch. Khi lấy vôi răng, khá nhiều bệnh lý tại chỗ và toàn thân sẽ được bác sĩ phát hiện sớm giúp cho bạn.
4. Quy trình điều trị cạo vôi răng
Các bước cạo vôi răng thông thường bao gồm:
Bước 1: Thăm khám tổng quát răng miệng
Đầu tiên bác sĩ sẽ khám răng miệng, dùng 1 gương nhỏ để kiểm tra các ngóc ngách trong miệng của bạn. Bác sĩ sẽ thấy được mức độ vôi răng và các dấu hiệu viêm nướu nếu có ở các vùng răng trong miệng.
Nếu phát hiện các vấn đề nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bạn chụp thêm vài tấm phim để kiểm tra. Bác sĩ có thể thực hiện thêm các nghiệm pháp như đo túi nha chu, test nhuộm màu mảng bám,… Để có 1 hồ sơ bệnh án tổng quát hoàn chỉnh về răng miệng cho bạn.
Sau đó bác sĩ mới chỉ định và tư vấn cho bạn mức độ của điều trị dành cho bạn. Số lần hẹn để cạo vôi răng thường từ 1-2 lần, đôi khi có thêm lần thứ 3. Các điều trị nha chu bổ sung khác sẽ được thực hiện tiếp theo.
Bước 2: Làm sạch vôi răng và mảng bám
Với dụng cụ rung siêu âm chuyên dụng, bác sĩ sẽ làm các mảng vôi răng lớn vỡ ra thành nhỏ. Rồi chúng bị cuốn đi bởi các tia nước. Đầu ống hút nước của phụ tá bác sĩ sẽ hút nước kèm vôi răng và mảng bám từ trong miệng ra ngoài.
Bạn có thể nghe thấy tiếng rung xè xè hoặc tiếng cạo vôi nghe lạo xạo, nhưng đó là điều bình thường và không gây hại hay làm đau bạn. Càng nhiều vôi răng tích tụ trong miệng, bác sĩ càng mấy nhiều thời gian hơn để làm sạch hết. Đó là lý do bạn phải có lần hẹn thứ hai, hoặc thứ ba.
Chải răng tốt và dùng chỉ nha thường xuyên giảm thiểu số mảng bám tích tụ thành vôi răng. Một khi đã hình thành vôi răng, bạn chỉ có thể làm sạch nó bởi nha sĩ. Do đó nếu bạn muốn ít tốn thời gian mỗi lần cạo vôi răng, cách duy nhất là chải răng sạch và dùng chỉ nha thường xuyên hơn.
Bước 3: Đánh bóng răng bằng máy
Sau khi lấy đi vôi răng, bề mặt răng trở nên thô ráp nên bác sĩ phải dùng tay khoan chậm với các đầu như bàn chải để đánh bóng mặt răng. Tiếng kêu của tay khoan máy có thể làm bạn lo sợ nhưng hãy yên tâm, vì chúng hoạt động rất nhẹ nhàng.
Bác sĩ thường dùng kết hợp các loại bột đánh bóng chuyên dụng với nhiều mùi hương thú vị như các loại kem đánh răng. Bác sĩ cũng dùng các đầu mũi đánh bóng khác nhau như silicone, chổi lông để làm nhẵn láng bền mặt răng hiệu quả tuỳ mỗi trường hợp.
Bước 4: Bác sĩ làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa
Dù bạn có dùng chỉ nha khoa ở nhà hay không, thì cũng không thể hơn được so với bác sĩ dùng chỉ nha làm sạch kẽ răng sau khi cạo vôi răng. Bác sĩ có thể tiếp cận được sâu hơn bằng chỉ nha khoa đến những chỗ bạn không thể làm được tại nhà. Hoặc phát hiện ra những điểm chảy máu nướu do viêm nướu – vôi răng.
Việc dùng chỉ nha khoa sau lấy đi vôi răng không chỉ lấy đi những mảnh vụn vôi còn sót lại. Mà còn làm trơn láng kẽ răng, và giúp bác sĩ kiểm tra những vùng răng còn chưa được sạch.
Bước 5: Súc miệng
Tiếp theo sau khi răng được làm sạch, bạn cần được súc miệng kỹ càng để loại bỏ mảng bám trong miệng. Bạn sẽ được dùng nước súc miệng loại có fluoride hoặc loại sát khuẩn… tuỳ chỉ định của bác sĩ.
5. Cạo vôi răng tại nha khoa Eden theo chuẩn ADA
Ngoài các bước theo quy trình cạo vôi răng tiêu chuẩn thông thường, Eden Dental còn tuân theo quy trình tiêu chuẩn và khuyến cáo của ADA (Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ).
Các bước bổ sung bao gồm:
Nhuộm màu mảng bám
Trong bước bổ sung này bác sĩ sẽ cho bạn dùng 1 trong các loại chất nhuộm màu mảng bám (plaque disclosing). Mục đích là để kiểm tra mức độ mảng bám mới và cũ trên răng, lượng vôi răng bám quanh răng. Từ đó đánh giá được khả năng vệ sinh răng miệng tại nhà của bạn.
Bác sĩ dễ dàng cho bạn thấy những vùng khó làm sạch mảng bám (có màu sắc khác nhau). Vùng có nhiều vôi răng và hướng dẫn bạn cải thiện vệ sinh răng tốt hơn.
Thổi cát đánh bóng răng
Bước này bác sĩ dùng máy thổi cát răng chuyên dụng để lấy đi hiệu quả vết dính có màu trên răng, một cách nhanh chóng. Đầu thổi hơi cát sẽ phun cát mịn và nước. Có thể đánh bay các vết dính thường bám nhiều xung quanh vùng cổ răng và kẽ răng.
Thổi cát đánh bóng răng đặc biệt phù hợp với tình trạng răng thường xuyên bám nhiều vết dính (ví dụ: hút thuốc). Mảng bám răng cũng được lấy đi nhanh chóng và nhẹ nhàng với máy thổi cát răng. So với việc dùng đầu cạo vôi siêu âm để lấy vết dính mảng bám thường dễ gây trầy xước men răng hơn.
Điều này giúp giảm thời gian trên ghế nha, tăng cường mạnh mẽ khả năng làm sạch của một lần điều trị cạo vôi răng.
Làm láng gốc răng (chân răng)
Bước này bác sĩ dùng các dụng cụ cạo vôi tay hoặc các bộ dụng cụ nha chu chuyên dụng để làm láng các mặt chân răng đã lấy vôi. Đặc biệt các mảng vôi lớn và nằm sâu dưới nướu. Các dụng cụ rung siêu âm cạo vôi thông thường không thể lám láng bề mặt răng dưới nướu và mảnh vụn.
Sử dụng bộ dụng cụ tay nha chu phù hợp song song với dụng cụ siêu âm sẽ giải quyết các vấn đề này.
Các hệ thống siêu âm cao cấp chuyên dành cho nha chu cũng được nha khoa Eden sử dụng trong bước này. Việc làm láng chân răng trở nên nhẹ nhàng và không đau với đầu siêu âm nha chu cùng đầu thổi cát dưới nướu răng.
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách
Là bước vô cùng quan trọng để một điều trị cạo vôi răng thành công, đó là giáo dục về vệ sinh chăm sóc răng miệng đúng cách cho bệnh nhân. Vì cạo vôi răng là điều trị nha khoa phòng ngừa, nguyên tắc là để phòng tránh các bệnh lý nghiêm trọng, chứ không đợi mắc bệnh mới chữa.
Nhưng điều trị cạo vôi răng vẫn chưa thành công nếu bệnh nhân sau mỗi lần cạo vôi lại không có tiến bộ hơn chút nào về kỹ năng vệ sinh răng miệng. Vôi răng sẽ nhanh chóng quay trở lại nếu bệnh nhân không cải thiện trong việc làm sạch mảng bám hiệu quả mỗi ngày.
Do đó mỗi bệnh nhân sau khi cạo vôi răng tại nha khoa Eden sẽ dành 5 phút để được hướng dẫn lại hoặc trả lời các thắc mắc trong việc vệ sinh răng tại nhà. Trong đó bao gồm: chải răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa, dụng cụ hỗ trợ, máy tăm nước/ bàn chải điện, nước súc miệng, kem đánh răng,….
Hỗ trợ giảm ê buốt khi cạo vôi răng
Với một số người, cạo vôi răng không phải là 1 điều trị dễ chịu, đôi khi là nỗi sợ khiến họ không đến nha sĩ định kỳ. Eden Dental có thiết kế các quy trình giảm ê buốt khi cạo vôi răng, dành riêng cho mỗi mức độ khác nhau.Bằng các bước bổ sung này, trải nghiệm của bệnh nhân trở nên nhẹ nhàng hơn khi cạo vôi răng. Khiến việc định kỳ đến nha sĩ không còn là nỗi lo sợ và chần chừ.
Ngừa sâu răng sau khi cạo vôi răng
Đối với các bệnh nhân có tình trạng răng cho thấy nguy cơ cao với sâu răng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp ngừa sâu răng:
- Áp gel chứa fluoride
- Bôi vecni fluoride
- Dùng nước súc miệng
- Trám sealant ngừa sâu răng
Đặc biệt với những bệnh nhân chưa bao giờ hoặc rất lâu mới điều trị cạo vôi răng. Bề mặt men răng/ chân răng lộ ra sau khi cạo vôi rất dễ bị ê buốt và sâu răng tấn công.
Nếu bác sĩ có phát hiện thêm các lỗ sâu răng thực sự cần trám, bệnh nhân sẽ được chụp phim hỗ trợ chẩn đoán. Bác sĩ cũng chỉ định các điều trị tiếp theo như: trám răng, điều trị tuỷ răng,…
6. Những lưu ý trước khi cạo vôi răng
Vệ sinh răng miệng trước khi đến cạo vôi răng
Hãy dành vài phút để chải răng và dùng chỉ nha khoa trước khi đến buổi hẹn, đặc biệt nếu bạn vừa ăn xong. Điều này cũng giúp các bác sĩ đánh giá xem bạn chải răng tốt đến đâu ở nhà. Nhưng đừng quá cố gắng hơn bình thường, hãy làm như thói quen hằng ngày của bạn để sự đánh giá chính xác.
Vả lại, trong miệng luôn có nhiều vi khuẩn, việc chải răng trước khi cạo vôi giúp giảm sự lây truyền. Cũng như giảm viêm nướu nhanh hơn. Súc miệng với nước sát khuẩn cũng giảm nhanh vi khuẩn – vi rút trong miệng và cho hơi thở thơm tho. Bạn thường được súc miệng lại với nước sát khuẩn tại ghế nha nên đừng lo lắng.
Dừng việc tẩy trắng răng
Nhiều người có liệu trình tẩy trắng răng tại nhà, nhưng nếu dự định đến cạo vôi răng, hãy dừng việc này trước 1 tuần. Bởi vì răng trở nên nhạy cảm và dễ ê buốt trong thời gian tẩy trắng, do tác dụng của thuốc.
Hãy tham kháo ý kiến bác sĩ về việc tẩy trắng răng ngay sau khi cạo vôi răng, để nhận được những lời khuyên phù hợp. Thông thường ngay sau khi cạo vôi răng và đánh bóng, việc tẩy trắng răng sẽ có hiệu quả cao hơn nhiều vì bề mặt răng sạch sẽ
Ghi chú các vấn đề răng gần đây bạn gặp phải
Khi lên ghế khám với bác sĩ, bạn thường hay quên mất các vấn đề mà lần gần đây bạn mắc phải, hoặc không nhớ là ở vùng răng nào. Do đó, hãy ghi chú lại trên giấy hoặc điện thoại bất cứ khi nào có vấn đề về răng miệng. Ví dụ “bị ê buốt răng mỗi lần chải răng chỗ răng hàm sau cùng hàm dưới” chẳng hạn. Hãy đọc hết ghi chú này cho bác sĩ lúc khám trước khi cạo vôi răng cho bạn.
Giảm lo lắng trước khi đến bác sĩ
Nỗi sợ nha sĩ là 1 trong các nỗi sợ thông thường, có đến 45% người Mỹ có mức lo sợ trung bình về nha sĩ, và 20% có mức lo sợ cao. Nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy bạn có thể tự giúp giảm lo lắng cho mình.
Hãy thực hiện các bài tập thở thư giãn, đi spa, đi dạo,… trước khi đến nha sĩ. Hoặc sử dụng âm nhạc trong khi nằm trên ghế nha, nghe podcast,…Nói chuyện với nha sĩ về nỗi sợ của mình cũng là cách chia sẻ giúp giảm lo lắng hiệu quả.
Đem theo các khí cụ, hàm giả mà bạn đang đeo
Vôi răng bám lên răng – cũng có thể bám lên các khí cụ/ răng giả đang đeo trên miệng. Hãy nhớ mang theo, và nhờ bác sĩ kiểm tra cũng như đánh bóng chúng đồng thời với cạo vôi răng.
Nếu bạn đang ốm, hãy dời hẹn cạo vôi răng
Nêu cạo vôi đúng cách, bác sĩ thường phải thực hiện cả động tác cạo vôi răng dưới nướu. Điều này có thể kích thích nướu, hoặc gây nhiễm trùng vì một lượng nhỏ vi khuẩn sẽ đi vào máu. Điều này là bình thường nếu bạn khoẻ mạnh. Nhưng nếu bạn bị suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh lý gây giảm sức khoẻ khác, thì nên dời lịch cạo vôi răng cho lần sau.
7. Cạo vôi răng giá bao nhiêu?
Cạo vôi răng bao nhiêu tiền cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thói quen cạo vôi răng định kỳ của mọi người. Giá cạo vôi răng nói chung không cao so với tất cả những lợi ích mà nó mang lại.
Cho nên nếu được bạn cần chọn cho mình một phòng khám hoặc bệnh viện có chất lượng điều trị và trải nghiệm tốt. Để bạn có thể đến thăm khám và cạo vôi răng định kỳ 2 lần mỗi năm mà không chần chừ hay trì hoãn. Vì điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ răng miệng hiện tại và tương lai của bạn. Tránh được các bệnh lý gây tốn kém tiền bạc và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Các công ty bảo hiểm cũng thường chi trả tiền cạo vôi răng cho khách hàng mỗi năm. Hãy liên hệ họ để biết chi tiết và được hướng dẫn. Nếu bạn bị viêm nướu, thì bảo hiểm y tế cũng hỗ trợ cho chi phí điều trị cạo vôi răng.
Chi phí cạo vôi răng của bạn thực tế tại các phòng khám và bệnh viện có thể chênh lệch do:
- Do vị trí địa lý, tuyến và điều trị bảo hiểm hay dịch vụ
- Quy trình, thiết bị và chất lượng điều trị
- Bác sĩ
- Mức độ vôi răng của bạn
- Điều trị bổ sung: xử lý mặt gốc răng (chân răng), làm sạch vết dính, thổi cát,…
Tham khảo giá cạo vôi răng dịch vụ tại một số bệnh viện:
Địa điểm | Giá Cạo Vôi Răng |
BV Răng Hàm Mặt Tp.HCM | 300,000 – 360,000 VNĐ |
BV Răng Hàm Mặt Trung Ương | 250,000 – 500,000 VNĐ |
BV Hoàn Mỹ | 400,000 – 600,000 VNĐ |
8. Cạo vôi răng có ảnh hưởng gì không?
Cạo vôi răng có tốt không?
Có khá nhiều quan niệm sai lầm về cạo vôi răng, khiến tỷ lệ người dân Việt Nam có thói quen cạo vôi răng định kỳ còn rất thấp. Theo rất nhiều nghiên cứu khoa học và thực tế đã chứng minh: cạo vôi răng không gây ảnh hưởng có hại lên răng và nướu hoặc sức khoẻ khi được thực hiện đúng.
Ngược lại cạo vôi răng giúp gia tăng sức khoẻ răng miệng, thậm chí là sức khoẻ toàn thân. Một khi bạn đã có thói quen cạo vôi răng, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn sau mỗi lần được cạo vôi, việc vệ sinh răng hằng ngày cũng lập tức dễ dàng hơn.
Một số quan niệm sai lầm về việc lấy vôi răng sau đây là sai:
- Lấy vôi răng làm hư men răng hoặc răng yếu đi
- Cạo vôi răng làm răng bị hở kẽ răng hoặc thưa răng
- Lấy vôi răng làm tổn thương nướu và gây chảy máu
- Cạo vôi răng làm răng lỏng lẻo hơn và lung lay
Tham khảo thêm bài viết: 5 quan niệm sai lầm về việc lấy vôi răng
Thực tế đa số mọi người chỉ có các triệu chứng phụ hơi khó chịu sau khi lấy vôi răng.Các triệu chứng này chỉ là tạm thời, không có hại và sẽ mau chóng hồi phục như bình thường sau vài ngày.
Những triệu chứng phụ tạm thời sau khi cạo vôi răng
Ê buốt răng
Những răng bị che phủ bởi rất nhiều vôi răng cứng sau 1 thời gian dài sẽ bị tụt nướu (tụt lợi) về phía chân răng. Một khi những mảnh vôi này bị lấy đi thì chân răng bị bộc lộ tiếp xúc với không khí và thức ăn. Những răng này thường bị ê (nhạy cảm) buốt vài ngày đến vài tuần.
Thời gian và mức độ nhạy cảm này phụ thuộc vào sự khỏe mạnh của nướu răng mỗi người. Những người thường xuyên chăm sóc răng định kỳ hầu như không thấy ê buốt hoặc rất ít sau mỗi lần cạo vôi . So với những ai nhiều năm mới gặp nha sĩ. Nhưng đây chỉ là triệu chứng tạm thời, men răng sẽ mau chóng bù đắp khoáng chất trên bề mặt. Nướu bám tốt vào mặt răng giúp bạn mau chóng thấy giảm ê buốt răng sau vài ngày.
Đau nướu
Đây là triệu chứng phụ ít gặp, có thể có sau khi làm sạch sâu dưới nướu gọi là: xử lý mặt gốc răng. Là một điều trị thường dùng cho bệnh nhân bị nha chu viêm. Cơn đau nướu thường rất nhẹ và chỉ trong vài ngày đến 1 tuần. Các vôi răng bám sâu dưới nướu vào mặt chân răng thường khó lấy sạch. Sau quá trình làm sạch sâu thì nướu có thể thấy đau nhẹ khi đang lành thương. Thuốc giảm đau như Paracetamol có thể rất hiệu quả với các cơn đau nướu.
Chảy máu nướu
Với các bệnh nhân rất lâu không làm sạch vôi răng và bệnh nhân viêm nướu viêm nha chu thì nướu răng rất dễ chảy máu khi ăn, khi đánh răng,..nên trong khi lấy vôi chắc chắn có chảy máu nướu nhưng được bác sĩ kiểm soát dễ dàng. Nướu lành mạnh không chảy máu kể cả khi dùng thám trâm chạm vào hoặc khi đánh răng. Nên sau khi lấy sạch vôi răng, tình trạng viêm nướu giảm dần thì việc chảy máu nướu khi chạm vào cũng giảm nhanh.
Sưng nướu
Hiếm gặp, sau khi cạo vôi răng thì nếu từ trước có sưng nướu thì tình trạng sẽ giảm dần. Nhưng nếu có sưng nướu nhiều hơn sau cạo vôi thì nên liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn.
Khe hở giữa các răng
Sau khi lấy đi các mảng vôi lớn giữa kẽ các răng do tích tụ lâu ngày, thì khe hở sẽ xuất hiện. Gây 1 số khó chịu như nhét thức ăn. Thông thường nướu sẽ phát triển lấp đầy khe hở này. Nhưng nếu bạn bị viêm nha chu hoặc mảnh vôi đã làm tụt nướu quá nhiều thì khe hở có thể không được lấp đầy hết. Nhưng dù sao thì bạn cũng sẽ mau chóng quen với cảm giác này sau 1 tuần, .Bác sĩ cũng hướng dẫn bạn làm sạch đúng cách.
9. Sau khi cạo vôi răng nên làm gì?
Để chăm sóc và giảm các triệu chứng phụ sau khi cạo vôi răng, bạn nên:
- Bác sĩ và phụ tá có thể khuyên và hướng dẫn bạn mua – sử dụng nước súc miệng chống ê buốt răng hoặc kem đánh răng chống nhạy cảm. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và thông báo về tình trạng này.
- Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn mua thêm các nước súc miệng diệt khuẩn tuỳ tình trạng. Nước súc miệng giúp diệt vi khuẩn gây hại, giảm viêm nướu nhanh hơn và nhiều tác dụng khác.
- Bạn có thể tự dùng nước muối pha ấm để ngậm 2-3 lần/ ngày sau khi cạo vôi, giúp giảm viêm và giảm vi khuẩn.
- Thuốc giảm đau thông dụng có thể giúp bạn dễ chịu nếu thấy đau nướu sau khi lấy vôi.
- Các hướng dẫn chuyên biệt dành cho bạn được bác sĩ và phụ tá đưa ra hãy làm theo. Ví dụ vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa,…
Câu hỏi về Cạo Vôi Răng
Những câu hỏi thường gặp nhất và câu trả lời từ Bác Sĩ
Cạo vôi răng có đau không?
Quá trình cạo vôi răng đúng cách thường không gây đau. Ngoại trừ cảm giác hơi ê nhẹ, chút khó chịu khi phải há miệng lớn và nước trong miệng
Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc gây tê khi cạo vôi răng nếu đây là điều trở ngại với bạn. Gây tê giúp bạn thấy thoải mái không đau, nhất là khi vôi răng quá nhiều.
Cạo vôi răng giá bao nhiêu?
Điều trị cạo vôi răng có giá trung bình khoảng 300,000 – 600,000 VNĐ tại các bệnh viện chuyên khoa. Giá cạo vôi răng có thể thấp hoặc cao hơn tuỳ vị trí địa lý, bác sĩ, quy trình và chất lượng điều trị.
Cạo vôi răng có tốt không?
Cạo vôi răng là điều trị phòng ngừa rất tốt cho sức khoẻ răng miệng, và nên được thực hiện định kỳ 2 lần mỗi năm. Cạo vôi giúp hàm răng sáng bóng nhanh chóng, giảm hôi miệng và viêm nướu.
Cạo vôi răng có giúp làm trắng răng không?
Cạo vôi răng và đánh bóng răng là một trong những cách làm trắng răng bên ngoài, nếu răng bị ố màu do vết dính và vôi răng.
Tuy nhiên nếu sự tối màu của răng đã đi sâu vào lớp ngà răng, thì đơn thuần cạo vôi răng không giúp ích nhiều để làm trắng răng. Trường hợp này cần đến phương pháp khác là tẩy trắng răng.
Có thể tự cạo vôi răng tại nhà không?
Bạn không thể tự cạo vôi răng tại nhà, vì lớp vôi răng thường bám chặt vào bề mặt men chân răng. Dùng biện pháp cơ học bởi các dụng cụ tại nhà không thể lấy sạch được vôi răng, mà còn gây nguy cơ tổn thương nướu và men răng.