
Phòng ngừa sâu răng bằng fluor cho trẻ em mối quan tâm lớn của phụ huynh, tuy nhiên việc thực hiện cần được sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ em cũng như người lớn. Vậy fluor là gì và việc dùng fluor ngừa sâu răng có lợi ích hay tác dụng phụ gì? Hãy cùng nghe tư vấn từ chuyên gia trước khi thực hiện.
1. Fluor ngừa sâu răng là gì?
Fluor ngừa sâu răng là 1 điều trị phòng ngừa do nha sĩ thực hiện nhằm bổ sung chất fluor tại chỗ trên bề mặt răng, cho các bệnh nhân có nguy cơ sâu răng. Chất fluor có khả năng chống sâu răng nhờ các đặc tính hoá học đặc biệt của nó.
Dạng fluor ngừa sâu răng thường gặp nhất là vecni fluor còn được gọi là thuốc chống sâu răng cho bé, hoặc thuốc trị sâu răng.
Điều trị Fluor đặc biệt hữu ích nếu bạn có nguy cơ cao với sâu răng. Sâu răng là bệnh lý diễn ra khi vi khuẩn tích tụ trong một lớp màng trên bề mặt răng gọi là mảng bám. Chúng sinh ra các axit làm bào mòn lớp men răng, nếu chúng phá huỷ được lớp men răng, vi khuẩn có thể tấn công qua ngà răng để vào tuỷ răng – nơi chứa thần kinh mạch máu của răng.
Trong bài viết sau, tôi sẽ nói về lợi ích của các điều trị bổ sung fluor. Bên cạnh đó là các tác dụng phụ, điều cần lưu ý và những khuyến cáo từ bác sĩ cho mọi người về việc bôi fluor cho răng.
2. Fluor là gì?
Fluor hay Florua (tiếng Anh là Fluoride) là một ion âm vô cơ có ký hiệu F−, có mặt trên trái đất trong các khoáng chất như fluorit, và một vi lượng trong nước tự nhiên. Fluor được dùng thường nằm dưới dạng kết hợp với nguyên tố khác như Na thành NaF – Natri Florua.

Đối với sức khoẻ răng miệng, fluor đóng vai trò rất quan trọng. Với chỉ 1 hàm lượng rất nhỏ ví dụ trong nước uống, fluor giúp men răng trở nên có sức kháng cự cao đối với sâu răng.
3. Điều gì diễn ra khi bác sĩ dùng fluor ngừa sâu răng?
Bác sĩ sẽ điều trị bôi fluor ngừa sâu răng bằng có hình thức khác nhau của fluor như:
- Nước súc miệng fluor
- Vecni fluor (Fluoride varnish)
- Gel fluor
- Bọt fluor

Mỗi hình thức sẽ có cách làm khác nhau và chỉ định riêng phù hợp với mỗi người (trẻ em, người lớn, nguy cơ với sâu răng,…). Nhưng tất cả đều chỉ mất vài phút để thực hiện. Bạn có thể phải tránh ăn uống một khoảng thời gian phù hợp ngay sau khi dùng fluor để chất có tác dụng ngấm vào men răng.
Bạn nên khám với bác sĩ có kinh nghiệm về fluor và cung cấp đầy đủ thông tin, để bác sĩ quyết định loại hình phù hợp cho bạn.
4. Fluor ngừa sâu răng có giá bao nhiêu?
Dù bạn có thể mua một số loại vecni fluor hoặc nước súc miệng tại nhà để dùng cho mình hoặc trẻ em. Nhưng tốt nhất là nên đến thực hiện bởi bác sĩ, để đảm bảo việc dùng fluor là đúng cho bạn. Cũng như tránh được việc thực hiện sai dẫn đến các tác dụng phụ, hoặc nguy hiểm sức khoẻ nhất là trẻ em.
Fluor ngừa sâu răng là điều trị không hề mắc tiền, ngay tại Mỹ một lần bôi vecni fluor chuyên nghiệp bởi nha sĩ chỉ có giá từ 20-30USD.
Thông thường thì fluor ngừa sâu răng được thực hiện định kỳ cùng lúc với khám răng và cạo vôi răng ở cả trẻ em và người lớn.
5. Bao nhiêu fluor là đủ cho bạn?
Theo ADA – Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, fluor ngừa sâu răng chuyên nghiệp bởi nha sĩ nên được thực hiện mỗi 3, 6 hoặc 12 tháng, tuỳ thuộc vào sức khoẻ răng của bạn. Nếu bác sĩ xác định bạn có nguy cơ cao bị sâu răng, thì bạn sẽ có khuyến cáo sử dụng fluor phù hợp.
Những vấn đề sau làm tăng nguy cơ sâu răng của bạn:
- Sử dụng nhiều thuốc lá
- Vệ sinh răng miệng kém
- Không chăm sóc răng định kỳ với nha sĩ
- Thiếu dinh dưỡng
- Chế độ ăn ngọt
- Khô miệng hoặc thiếu nước bọt
- Men răng yếu hoặc có vấn đề
Các nguồn dinh dưỡng có chứa fluor:
- Trà
- Nước uống và nước sinh hoạt
- Cá và hải sản
- Sữa bột trẻ em
Tuỳ thuộc điều kiện sống và dinh dưỡng mà fluor sẵn có và hấp thu của mỗi người là khác nhau. Do đó sự bổ sung là cần có sự đánh giá của bác sĩ, tránh tình trạng quá dư thừa fluor.
Nhiều vùng sử dụng nước giếng, hàm lượng fluor trong nước có thể rất ít khiến tình trạng sâu răng trong cộng đồng tăng cao. Nhưng cũng đôi khi hàm lượng fluor quá cao trong nước, gây ra các tác dụng có hại được nêu bên dưới.
Fluor cho trẻ em
Đối với trẻ em, một lượng fluor lớn có thể gây hại. Nếu trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, cần quan sát trẻ đánh răng để tránh nuốt nhiều kem đánh răng chứa fluor. Sử dụng kem đánh răng có nồng độ fluor phù hợp với độ tuổi là điều cần lưu ý với tất cả phụ huynh.
Lượng kem đánh răng lấy cho trẻ em cũng phải ít và tăng dần từ từ, từ 3-6 tuổi là từ hạt gạo cho đến hạt đậu hà lan.

6. Lợi ích của fluor ngừa sâu răng
Lượng fluor có nồng độ phù hợp và bám vào men răng có khả năng phục hồi phần men răng mới bị mất khoáng do vi khuẩn gây sâu răng. Tác động ngăn chặn vi khuẩn gây hại và xa hơn phòng ngừa sâu răng trong tương lai gần (vài tháng).
Fluor không thể hồi phục lại mô răng đã bị sâu, nhưng có khả năng tạo ra lớp bề mặt men vững chắc, dừng lại việc sâu răng tấn công sâu vào các phần sâu hơn của răng.
Fluor có tác dụng cho cả người lớn và trẻ em. Càng sớm để trẻ em được bổ sung fluor, chúng càng ít bị sâu răng tấn công.
ADA và CDC Mỹ cũng thống nhất trong việc fluor hoá nước máy (nước sinh hoạt) để bổ sung lượng fluor cần thiết tối thiểu để hạn chế bệnh sâu răng trong cộng đồng.
7. Tác dụng phụ và tác hại của fluor
Như mọi loại thuốc và hoá chất khác, quá nhiều fluor cũng gây ra các vấn đề phức tạp.
Ngộ độc fluor cấp tính có thể xảy ra do tai nạn, hoặc mãn tính do sử dụng nhiều fluor nồng độ cao trong thời gian dài. Ngộ độc fluor rất hiếm ngày nay, ví dụ trẻ em ăn tuýp kem đánh răng.
Phần nhiều là bị nhiễm fluor mãn tính trong thời gian dài, gây ra dấu hiệu trên xương và răng, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Quá nhiều fluor có thể bị:
- Đốm trắng trên răng vĩnh viễn
- Sự ăn mòn và lỗ rỗ trên bề mặt men răng
- Vấn đề về xương
- Xương đặc những rất yếu

Ngộ độc cấp tính fluor như quá liều fluor có thể gây triệu chứng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Đổ mồ hôi
Nặng có thể gây tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó tránh các sản phẩm như nước súc miệng fluor, vecni fluor, kem đánh răng người lớn khỏi tầm tay của trẻ em.
8. Tầm quan trọng của Fluor trong việc chải răng hàng ngày?
Chải răng là cách tốt nhất để làm sạch mảng bám thức ăn mỗi ngày trên răng và nướu của bạn. Cũng như chỉ nha khoa cùng các dụng cụ làm sạch kẽ răng cũng cần thiết để lấy mảng bám nằm ở nơi bàn chải không thể chạm đến.
Động tác chải và sự ma sát của bàn chải là yếu tố làm sạch chính. Bạn hoàn toàn có thể chải răng đơn thuần với nước hoặc nước muối. Tuy nhiên việc dùng kem đánh răng có chứa fluor sẽ tăng cường rất nhiều tác dụng của chải răng, vì nó có yếu tố làm sạch (tạo bọt) và 1 lượng nhỏ fluor.
Fluor cũng có trong nước tự nhiên, tuy nhiên thường có nồng độ rất ít. Việc thêm vừa đủ fluor vào trong nước máy có ích cho cộng đồng để ngừa sâu răng, đặc biệt những ai không có điều kiện chăm sóc thường xuyên với nha sĩ.
Mọi người có thể được bổ sung fluor theo hai cách:
- Tại chỗ với kem đánh răng có fluor và điều trị fluor ngừa sâu răng bởi nha sĩ
- Toàn thân với fluor trong nước và thức ăn

9. Kết luận
Fluor là một khoáng chất tự nhiên giúp ngừa sâu răng. Nó giúp phục hồi khoáng hoá men răng và ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại tích tụ trên răng. Quá liều fluor cũng gây các biến chứng có hại.
Sức khoẻ răng miệng tác động nhiều lên sức khoẻ toàn thân. Do dó hãy chăm sóc tốt răng miệng của bạn bằng cách:
- Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng chứa fluor
- Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày
- Tránh thức ăn có nhiều đường và làm sạch răng sau khi dùng
- Không hút thuốc
- Thăm khám với nha sĩ bạn tin tưởng mỗi năm ít nhất 1 lần
Fluor ngừa sâu răng là một điều trị phòng ngừa rất tốt nếu được chỉ định và thực hiện đúng bởi nha sĩ. Việc tự sử dụng vecni fluor tại nhà hoặc các cách tương tự là không được khuyến cáo vì fluor cũng là một chất gây nhiều biến chứng nếu dùng sai liều lượng.
Dù bạn có được bôi fluor ngừa sâu răng, thì điều kiện bắt buộc để tránh được sâu răng là phải chải răng đúng cách hàng ngày với kem đánh răng có fluor.
[…] Ngoài ra, nhai kẹo thường xuyên còn có thể dẫn đến sâu răng. Nếu có thói quen này bạn nên tìm hiểu cách ngừa sâu răng bằng fluor. […]
[…] Bôi vecni flour để tăng khoáng hóa bề mặt men răng. Giúp răng giảm khả năng bị tổn thương do axit xoi mòn. Và giảm cảm giác ê buốt (nếu có) khi ăn uống đồ nóng,lạnh. […]
[…] bạn đang đánh răng bằng kem đánh răng có fluor, hãy đợi một lúc trước khi sử dụng dung dịch súc miệng. Nó có thể rửa […]