Nhổ răng khôn là gì?
Nhổ răng khôn là thủ thuật nhổ bỏ một hoặc nhiều răng thứ 8, nằm ở sau cùng của mỗi góc hàm trên và dưới trong miệng. Bạn có thể có từ 1 đến 4 răng khôn trong miệng, nhưng cũng có thể không có cái nào.
Gây đau, sưng, gây thất bại chỉnh nha (niềng răng), hoặc các vấn đề răng miệng không tốt khác, là những hậu quả thường có khi răng khôn không đủ khoảng trống để mọc. Quyết định nhổ bỏ hay giữ lại sẽ được bác sĩ đánh giá kỹ càng, để xử trí những khó chịu hiện tại, đồng thời phòng ngừa những hậu quả xảy ra trong tương lai. Bác sĩ sẽ tư vấn và giúp bạn đưa ra quyết định sau cùng tốt nhất cho mỗi trường hợp.
Răng khôn mọc lên như thế nào?
Răng khôn, hay răng cối lớn thứ 3, là răng vĩnh viễn mọc sau cùng trong miệng.
Những răng này mọc từ độ tuổi 17-25. Nhưng đa phần các răng này không mọc thẳng lên bình thường như các răng khác, mà do không đủ không gian từ răng số 7 đến xương góc hàm nên các răng khôn thường mọc lệch. Góc độ và vị trí răng khôn mọc lệch thay đổi rất nhiều, nên cần bác sĩ phẫu thuật đánh giá và đưa ra điều trị phù hợp
Vị trí và các chiều hướng mọc răng khôn khác nhau trong miệng.
Các vị trí răng khôn thường gặp:
- Răng khôn mọc thẳng: có thể không cần nhổ nếu mọc lên hoàn toàn và có tiếp xúc răng đối diện
- Răng khôn nghiêng gần (nghiêng ra trước)
- Răng khôn nghiêng xa (nghiêng ra sau)
- Răng khôn nằm ngang (nằm 90 độ vuông góc răng 7)
Răng khôn nằm ngang thường gây nhiều hậu quả như sâu răng, viêm tuỷ, áp xe,…
- Răng khôn mọc ngược: hiếm gặp
- Răng khôn mọc vào má/lưỡi (mọc vào trong/ra ngoài)
Một số người không có răng khôn, hoặc răng khôn mọc không đủ 4 cái như bình thường. Để xác định chính xác số lượng và vị trí răng khôn, bên cạnh thăm khám trên miệng, bác sĩ sẽ chụp phim khảo sát để đánh giá chính xác và thông báo cho bạn.
Bên cạnh những răng khôn mọc kẹt (lộ một phần nhỏ thân răng trong miệng), hoặc mọc ngầm (nằm dưới nướu và xương; không thấy được thân răng trong miệng), thì có những răng khôn mọc thẳng đứng, đúng vị trí, và có răng đối diện khớp với nhau tốt, không bị tổn thương nặng, thì nha sĩ sẽ đề nghị giữ lại những răng khôn này, thay vì nhổ đi.
Những vấn đề thường gặp do răng khôn mọc lệch
Bạn sẽ cần nhổ răng khôn nếu gặp phải những vấn đề sau đây:
- Đau, sưng vùng nướu quanh răng khôn tái đi tái lại.
Biến chứng răng khôn thường gây ảnh hưởng răng kế cận (sâu răng,viêm tuỷ,..)
- Sâu răng khôn và gây sâu cả răng kế cận. Sâu răng tiến triển lâu dài có thể dẫn đến nhiễm trùng tủy, nặng có thể làm sưng mặt, không thể há miệng lớn, phá hủy xương hàm bên dưới răng.
- Hay nhét đồ ăn, mảng bám vào kẽ giữa răng khôn và răng kế cận gây nên hôi miệng, viêm nướu, sâu răng.
- Điều trị chỉnh nha, nha sĩ xem xét cần phải nhổ răng khôn, để tạo khoảng trống thuận lợi cho việc điều chỉnh làm đều các răng còn lại.
Những bước chuẩn bị cho nhổ răng khôn
Trước khi nhổ răng khôn, bạn sẽ được nha sĩ hỏi về tiền sử bệnh, như: có các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,…hay không; để cân nhắc về các biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi nhổ răng.
Phim quanh chóp, toàn cảnh, hoặc CT (phim khảo sát trong không gian 3 chiều), sẽ được đề nghị bởi nha sĩ, tùy theo mức độ phức tạp của răng mà đòi hỏi những phim chụp khảo sát chi tiết hơn , để đánh giá chính xác vị trí răng và mối liên hệ với các cấu trúc xung quanh như: răng kế cận, thần kinh hàm dưới,…
Các phim x-quang được bác sĩ chỉ định chụp trước khi nhổ răng khôn
Các loại phim thường được sử dụng chẩn đoán khi nhổ răng khôn: Phim quanh chóp, phim panorama, nếu cần thiết là phim CT (phim cắt lớp).
Phim CT cho độ chính xác cao và giúp bác sĩ xác định các cấu trúc nguy hiểm cần lưu ý khi phẫu thuật.
Sau khi tiên lượng về mức độ khó của răng, bạn sẽ được nha sĩ dặn dò chuẩn bị trước khi nhổ răng, như: buổi tối trước khi nhổ răng nên ngủ sớm để không bị mệt mỏi; trước khi đến nhổ răng nên ăn uống đầy đủ, nhưng không nên uống cafe, hoặc các chất có cồn như bia, rượu, không nên hút thuốc lá, để hạn chế huyết áp tăng cao.
Phẫu thuật nhổ răng khôn cần đảm bảo vô trùng kỹ lưỡng hơn nhổ răng thường tại EDEN
Nếu cần uống thuốc trước khi nhổ răng, nha sĩ sẽ dặn dò bạn.
Những biến chứng do nhổ răng khôn
Hầu hết nhổ răng khôn không để lại biến chứng kéo dài, nếu được thực hiện với nha sĩ có trình độ chuyên môn cao, phương tiện thực hiện đầy đủ và được vô khuẩn tốt.
Những biến chứng có thể gặp khi nhổ răng khôn:
Đau, sưng nhiều, và lâu lành thương, khi một lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào trong vết thương. Thường là do dụng cụ vô khuẩn kém, không được hấp tiệt trùng kỹ lưỡng; nha sĩ không tuân thủ nguyên tắc vô trùng trong khi thực hiện, hoặc do cơ địa bệnh nhân không phù hợp để nhổ răng khó, như : tiểu đường, hoặc các bệnh viêm nhiễm mãn tính khác.
Để hạn chế viêm nhiễm, bạn nên hạn chế ăn uống sau nhổ răng ít nhất 2 tiếng. Đồng thời tuân thủ theo đơn thuốc mà nha sĩ kê đơn, thường sẽ có kháng sinh, kháng viêm để phòng ngừa viêm nhiễm trong những trường hợp nhổ răng khó, thời gian thực hiện kéo dài.
Biến chứng thường gặp khi nhổ răng khôn là viêm nhiễm do không đảm bảo khâu vô trùng
Chảy máu kéo dài sau khi nhổ răng, mặc dù bạn đã tuân thủ kĩ càng lời dặn của nha sĩ như: không vận động mạnh, không khạc nhổ mạnh, không dùng các chất có cồn, không hút thuốc lá,… sau khi nhổ răng ít nhất 2-3 ngày.
Nếu gặp phải trình trạng chảy máu kéo dài, không thể cầm máu bằng việc cắn gòn hay gạc như thông thường, bạn nên trở lại gặp nha sĩ để xử trí.
Cảm giác tê hoặc cảm giác buốt lạnh xảy ra, khi dây thần kinh hàm dưới bị tổn thương trong quá trình nhổ răng.
Tình trạng này thường gặp phải khi nhổ răng khôn hàm dưới ở vị trí gần sát với thần kinh hàm dưới. Lưỡi, môi hoặc những cấu trúc được thần kinh chi phối có thể bị tê buốt, nhưng không ảnh hưởng đến việc nói, ăn uống , cũng như không gây biến dạng mặt.
Hiện tượng tê buốt hay khó chịu dọc theo vị trí dây thần kinh chi phối có thể kéo dài một vài ngày, một vài tuần hoặc một vài tháng, tùy theo mức độ tổn thương nặng nhẹ của dây thần kinh.
Bạn nên liên hệ với nha sĩ khi nghi ngờ mình gặp phải những triệu chứng như trên.
Chăm sóc sau nhổ răng khôn
Gây tê nhổ răng khôn hàm dưới thường làm mất cảm giác tạm thời môi và lưỡi phía cùng bên của răng khôn được nhổ. Chính sự mất cảm giác này giúp bạn dễ chịu, không cảm thấy đau trong quá trình nhổ răng khôn. Thời gian của thuốc tê có thể kéo dài từ 3-5 tiếng, có nghĩa từ lúc gây tê đến 3-5 tiếng sau ,bạn hầu như không có cảm giác đau tại vị trí răng nhổ, hoặc nếu có ,chỉ cảm giác nhẹ, khi bạn được gây tê hiệu quả trước khi nhổ răng.
Gây tê nhổ răng khôn hàm trên chỉ giới hạn vùng tê ở răng cần nhổ, không làm tê môi và lưỡi như kỹ thuật nhổ răng khôn hàm dưới.
Sau khi nhổ xong và làm sạch vị trí nhổ răng, đối với răng khôn hàm trên, chỉ cần cắn gạc hoặc gòn cấm máu là xong, thường không cần khâu. Đối với vị trí răng khôn hàm dưới thường sẽ được khâu lại, vừa giúp cầm máu tốt, vừa giúp hạn chế mảnh vụn thức ăn rơi vào, đồng thời cũng giúp khép mép vết thương, tạo sự lành thương tốt.
Sau khi nhổ răng xong bạn có thể quay lại hoạt động hằng ngày như bình thường. Nhưng có một vài điều bạn cần tuân thủ để hạn chế nhiễm trùng và những biến chứng khác:
- Cắn chặt gòn trong 30 phút sau khi nhổ răng, để hình thành cục máu đông, giúp cầm máu.
- Máu rỉ ra sau khi nhổ có thể nuốt xuống.
- Chườm đá bằng khăn hoặc túi chườm lạnh phía ngoài da (5 phút chườm, 5 phút nghỉ) , tương ứng vị trí răng khôn vừa mới nhổ trong ngày đầu nhổ răng.
- Ăn uống đồ mềm, nguội hoặc lạnh, như: cháo nguội, sinh tố, nước ép,…
- Đánh răng, vệ sinh răng miệng bình thường.
- Uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ.
- Không xúc miệng hay khạc nhổ mạnh, để giúp giữ cục máu đông không bị rơi ra khỏi ổ răng vừa mới nhổ, để giúp máu được cầm tốt.
- Không vận động mạnh, không sử dụng bia rượu, thuốc lá 2-3 ngày sau khi nhổ răng.
- Không nên chải răng mạnh ở vị trí vừa nhổ răng, chỉ đánh răng nhẹ nhàng.
- Hạn chế ăn uống đồ nóng, cứng.
Nếu quá trình lành thương tốt và không xảy ra biến chứng, một vài ngày sau bạn sẽ có cảm giác bình thường trở lại, 1-2 ngày sau khi nhổ răng bạn đã có thể ăn cơm.
Trong trường hợp vị trí răng nhổ được khâu bằng chỉ tự tiêu, thì bạn có thể không cần phải quay lại phòng khám. Nếu răng được khâu bằng chỉ không tự tiêu, bạn cần quay lại phòng khám để cắt chỉ , trong 7-10 ngày sau khi nhổ răng khôn.
Để được đánh giá và tư vấn chính xác, với các công cụ hỗ trợ hiện đại, tin cậy, bạn nên tìm hiểu các phòng nha uy tín, chất lượng trước khi quyết định nhổ răng khôn, để không xảy ra các biến chứng không mong muốn.
Tại nha khoa Eden, chúng tôi đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn, cùng trình độ chuyên môn bác sĩ cao, kinh nghiệm tốt, sẽ giúp bạn phân tích, đánh giá chính xác tình trạng răng miệng của mình ; cùng các vật liệu, dụng cụ đầy đủ, được tiệt trùng kỹ lưỡng, sẽ giúp quá trình lành thương sau nhổ răng diễn biến tốt. Điều trị nhổ răng khôn thực hiện tại nha khoa Eden an toàn, đáng tin cậy.
XEM THÊM:
Nhổ răng khôn bao giờ lành? Khi nào có thể ăn uống bình thường ?