Hiện nay, nhiều người được khuyến khích loại bỏ răng khôn ngay cả khi chúng chưa mọc trồi qua khỏi nướu. Vậy, răng khôn có chức năng gì không? Răng khôn mọc khi nào? Trường hợp nào nên loại bỏ răng khôn? Nha khoa EDEN sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi này.
Răng khôn mọc khi nào?
Răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) thường mọc ở độ tuổi từ 17 – 21. Ở người có đủ 32 chiếc răng thì sẽ có 4 chiếc răng khôn. Một số trường hợp khác chỉ mọc 2 chiếc răng khôn. Và cũng có trường hợp không có chiếc răng số 8 nào.
Ở giai đoạn đầu đời, chúng ta sẽ có 20 chiếc răng sữa mọc lên và rụng. Sau đó, 32 chiếc răng vĩnh viễn sẽ lần lượt thay thế các vị trí này. Bộ răng hàm đầu tiên thường mọc khi chúng ta lên 6 tuổi. Bộ răng hàm thứ 2 thường mọc khi chúng ta đủ 12 tuổi. Và bộ cuối cùng (bộ răng hàm thứ 3 – răng khôn) thường mọc trước 21 tuổi.
Răng khôn có chức năng gì không?
Từng vị trí và kích thước của từng chiếc răng sẽ có những chức năng riêng biệt. Những chiếc răng cửa sẽ sắc bén hơn để cắn đứt thức ăn. Răng hàm sẽ đảm nhận vai trò nghiền nát thức ăn. Răng khôn cũng vậy, chức năng của nó cũng tương tự như những chiếc răng hàm khác.
Tuy nhiên, phần lớn trong chúng ta đều không mọc đủ cả 4 chiếc răng khôn, hoặc chiếc răng hàm thứ 3 này thường mọc lệch gây ảnh hưởng đến các răng lân cận, gây ra các bệnh răng miệng. Vì vậy, những tác động xấu của nó thường có khả năng xảy ra cao hơn là những lợi ích mà nó đem lại.
Bên cạnh đó, chức năng của răng khôn có thể nói là không hoàn toàn cần thiết. Cũng đồng nghĩa với việc nhổ bỏ răng số 8 cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới chức năng ăn nhai của bạn.
Dấu hiệu nhận biết khi mọc răng số 8
- Nướu bị sưng – thường ở phía sau chiếc răng hàm thứ hai của bạn
- Đau hàm
- Khó khăn khi há miệng
- Nướu đỏ và chảy máu
- Có vị tanh hoặc vị khó chịu trong miệng
- Hơi thở có mùi hôi
- Ăn uống không ngon miệng
- Bị hành sốt
- Sưng má
Tại sao răng khôn mọc gây đau?
Có thể bạn chưa biết, việc bạn không nhìn thấy chiếc răng hàm số 3 nào mọc trồi lên nướu không có nghĩa là chúng không “có mặt” ở đó. Chụp X-quang sẽ giúp bạn xác nhận xem răng khôn của bạn có đang “hiện diện” dưới nướu hay không.
Vì vậy, dù bạn không nhìn thấy nó, chiếc răng khôn này vẫn có thể gây ra các vấn đề răng miệng do răng khôn mọc ngầm – còn nguy hiểm hơn khi chúng mọc trồi qua khỏi nướu.
Vì sao răng khôn mọc gây đau? Ở một số người, họ may mắn có được chiếc răng khôn khỏe mạnh, mọc đủ và mọc đúng cách, vẫn sẽ bị sưng nướu, sưng má hoặc đau hàm khi chiếc răng số 8 bắt đầu trồi lên. Thời gian để chiếc răng khôn mọc hoàn thiện có thể kéo dài từ 1-2 năm, có người lên đến 4-5 năm. Khoảng cách của mỗi đợt phát triển thường là vài tháng.
Những người đau do răng khôn mọc không đúng cách thì sẽ nguy hiểm hơn, cơn đau cũng có thể từ nhẹ đến dữ dội, bởi vì:
Răng khôn mọc lệch, mọc nghiêng
Nguyên nhân của việc răng khôn mọc lệch, mọc nghiêng ngả thường là hàm không đủ chỗ để chúng có thể phát triển một cách bình thường. Do đó, chiếc răng số 8 có thể mọc nghiêng sang một bên, ngả và tạo áp lực liên tục vào chiếc răng kế cận nó.
Điều này ngoài gây ra đau nhức cho bạn còn có thể gây ra các bệnh lý răng miệng như:
- Sâu răng
- Viêm nướu
- Viêm nha chu
Và nhiều nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm khác.
Răng khôn mọc một phần
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khi mọc răng khôn.
Trường hợp răng khôn chỉ nhú lên một phần sẽ tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho thức ăn bám vào, lâu ngày vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên dưới nướu gây sưng tấy, viêm nhiễm và đau nhức.
Răng khôn mọc lệch gây u nang xương hàm
Khi răng khôn mọc sai cách nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới u nang xương hàm. Lâu ngày có thể phá hủy xương hàm, răng và dây thần kinh. Trường hợp nghiêm trọng sẽ phải loại bỏ mô và xương. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng tổng thể.
Răng số 8 được khuyến khích nhổ bỏ khi nào?
- Mọc nghiêng, lệch
- Kích thước hàm của bạn không đủ lớn để chiếc răng khôn có thể phát triển bình thường
- Răng khôn bị sâu và tăng nguy cơ sâu răng cho các răng kế cận
- Gây sốt và viêm nướu
- Gây u nang xương hàm
- Răng khôn mọc không có răng tương xứng đối diện, hoặc mọc nghiêng gây lệch khớp cắn
Đôi khi, nha sĩ cũng sẽ khuyến khích bạn loại bỏ răng khôn trước khi chỉnh nha (niềng răng) ngay cả khi chúng chưa mọc trồi qua khỏi nướu. Điều này giúp bảo tồn kết quả của việc niềng răng.
Có cần nhổ bỏ hết răng khôn không?
Có rất ít bằng chứng thử nghiệm lâm sàng ủng hộ việc nhổ bỏ răng khôn khi chưa có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Việc có nên nhổ răng khôn hay không sẽ không có một đáp án chung nào cả. Chỉ nha sĩ của bạn mới có thể trả lời chính xác nhất cho bạn.
Để đảm bảo cho sức khỏe răng miệng, tốt hơn hết bạn nên thăm khám nha khoa định kỳ để xác định điều này. Độ tuổi càng cao, chân răng phát triển càng đầy đủ sẽ gây khó khăn cho việc loại bỏ răng khôn và quá trình phục hồi.
Trường hợp nào không thần thiết phải nhổ răng khôn?
Chiếc răng số 8 sẽ không cần thiết phải loại bỏ nếu chúng:
- Khỏe mạnh
- Phát triển hoàn toàn (mọc hoàn toàn lên trên miệng)
- Mọc đúng vị trí và khớp cắn tương xứng với răng đối diện của chúng
- Có thể làm sạch được dễ dàng khi vệ sinh răng miệng
Kết luận
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Răng khôn mọc khi nào?” Bên cạnh đó nó còn giúp bạn hiểu thêm chút ít về chiếc răng này và các tác hại có thể xảy ra khi răng số 8 mọc không đúng cách.
Răng khôn có thể ví như ruột thừa. Có cũng được, không có lại càng tốt hơn. Mặc dù một số trường hợp không được khuyến khích loại bỏ răng khôn, nhưng con số thường không chiếm tỉ lệ cao.
Một số người may mắn có được những chiếc răng số 8 khỏe mạnh, một số khác lại không có chiếc răng khôn nào – đây cũng được xem là may mắn.
Để chắc chắn về tình trạng của bạn, hãy đặt ra nhiều câu hỏi mà bạn thắc mắc để khi thăm khám được các bác sĩ giải đáp tất cả cho bạn, bạn cũng nên hỏi cả những rủi ro khi thực hiện phẫu thuật.
Quan trọng hơn hết, hãy đảm bảo thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để phát hiện kịp thời nếu chiếc răng khôn bắt đầu tiến triển theo một hướng xấu và loại bỏ chúng. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do việc răng khôn mọc lệch gây ra.
Xem thêm: Nhổ răng khôn có đau không?