Sâu răng ở trẻ em là gì? Có cần điều trị không? Mặc dù bệnh sâu răng thường không quá nguy hiểm. Nhưng bạn vẫn nên cho trẻ đến nha khoa để thăm khám và điều trị sớm. Vì sâu răng khi phát triển do không được điều trị, sẽ gây đau nhức, ê buốt, thậm chí có thể “hành” sốt,… Ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân và sự phát triển của bé. 

sâu răng ở trẻ em
Tình trạng sâu răng rất phổ biến ở trẻ em. Ảnh: internet

Sâu răng là gì?

Sâu răng xảy ra khi vi khuẩn trong miệng tấn công vào men răng hoặc bề mặt răng, tạo ra một lỗ thủng trên răng. Đây là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh.

Các lỗ sâu răng ban đầu có kích thước rất nhỏ và dần trở nên lớn hơn khi không được điều trị. Nhưng chúng ta ít khi phát hiện được sâu răng trong giai đoạn đầu, do bệnh thường không gây đau nhức. Vì vậy, lời khuyên từ các chuyên gia là trẻ em nên được thăm khám nha sĩ ngay từ khi mọc chiếc răng đầu tiên, để giúp phát hiện sớm tình trạng sâu răng.

Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em

Nguyên nhân phổ biến gây sâu răng ở trẻ em thường do thói quen ăn uống nhiều đồ ngọt như: bánh, kẹo, nước ngọt, nho khô, nước hoa quả,… và không vệ sinh răng miệng đúng cách.

Sau khi ăn, thức ăn sẽ bám vào kẽ năng, bề mặt răng. Vi khuẩn có sẵn trong miệng bé sẽ tích tụ ở những nơi này, chuyển hóa đường và tinh bột có trong thức ăn thành axit phá hủy men răng – lớp ngoài cùng của răng, có chức năng bảo vệ răng. Dần dà, vi khuẩn sẽ tấn công vào ngà răng, thậm chí là đến tủy răng – nơi chứa dây thần kinh và mạch máu.

Do đó, tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh và vệ sinh răng miệng mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết để giúp hạn chế các bệnh răng miệng.

Ngoài ra, cha mẹ có thói quen cho trẻ bú bình vào ban đêm sẽ tăng nguy cơ sâu răng cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết

trẻ em bị sâu răng
Sâu răng phá hủy cấu trúc răng thật. Ảnh: internet

Nhìn chung bệnh sâu răng ở trẻ em cũng có các dấu hiệu nhận biết giống với người lớn. Tuy nhiên, khi chưa thể nói được, sẽ không có cách nào để con bạn có thể cho bạn biết rằng chúng đang bị đau răng, ê buốt răng. Thay vào đó bạn có thể để ý qua các dấu hiệu: trẻ hay quấy khóc, không chịu ăn, hay khóc mỗi khi ăn,… Để chắc chắn hơn, bạn hãy thường xuyên kiểm tra răng miệng của bé, và nhìn xem có các dấu hiệu sâu răng không, ví dụ như:

  • Xuất hiện các đốm trắng đục trên răng (giai đoạn đầu của sâu răng)
  • Răng bị sẫm màu, có vết ố đen trên răng
  • Một lỗ hình thành trên răng của trẻ
  • Hơi thở bé có mùi hôi

Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, cách tốt nhất là bạn nên cho trẻ đến nha sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Sâu răng ở trẻ em có tác hại gì?

đau nhức răng ở trẻ em
Ảnh minh họa trẻ bị đau răng (internet)

Sâu răng có thể gây đau nhức, ảnh hưởng đến quá trình lớn lên của con bạn. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của bé. Cùng xem qua một số tác hại của sâu răng:

  • Gây đau nhức. Trẻ có thể phải nghỉ học, chế độ sinh hoạt hằng ngày sẽ bị xáo trộn khi cơn đau răng bắt đầu “hành hạ” trẻ.
  • Ê buốt mỗi khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng, lạnh có trong thức ăn.
  • Trẻ trở nên biếng ăn do mỗi lần ăn thì lại đau nhức răng, thức ăn nhồi nhét vào lỗ sâu gây khó chịu, vướng víu – > ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của bé.
  • Trường hợp bé bị sâu răng cửa, răng có thể dễ dàng nhìn thấy khi cười, nói. Sẽ làm xấu đi nụ cười của bé.

Nếu không được điều trị, sâu răng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm:

Biến chứng

  • Áp xe răng: hình thành mủ ở chân răng hoặc phần tiếp xúc giữa răng và nướu. Có thể khiến trẻ bị đau đầu, “hành” sốt.
  • Viêm tủy: gây đau buốt dữ dội. Thậm chí có thể lan đến đầu. Lúc này cần phải điều trị tủy trước khi tiến hành phục hình răng. Trường hợp tủy răng bị hoại tử, không thể điều trị tủy thành công. Nhổ răng sẽ được nha sĩ chỉ định để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.
  • Hỏng răng, mất răng: răng sữa mất sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến răng vĩnh viễn mọc sau nó. Trường hợp mất răng vĩnh viễn, phải tốn kém nhiều chi phí để trồng lại răng thật cho trẻ. Nếu không trồng lại răng giả thì chức năng ăn nhai, phát âm sẽ giảm; xương hàm sẽ bị tiêu đi, ảnh hưởng đến khuôn mặt của bé.
  • Viêm xoang hàm: trường hợp sâu răng hàm trên lâu ngày không được điều trị , vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể lan đến các xoang lân cận gây nhiễm trùng xoang. Vì chân răng hàm trên có vị trí gần với xoang hàm.

Cách điều trị sâu răng ở trẻ em

Cách điều trị sâu răng ở trẻ em cũng gần tương tự như người lớn. Tuy nhiên, hình thức, vật liệu, nồng độ được sử dụng cho mỗi phương pháp có thể sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi và tình trạng sâu răng. Sau khi xem xét mức độ, vị trí của sâu răng và các mô xung quanh. Nha sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp.

Đối với tình trạng sâu răng vừa “chớm nở”, răng sâu có thể được điều trị bằng florua –  giúp phục hồi lại lớp men răng đã bị tổn thương.

Nếu tình trạng nặng hơn, phương pháp trám răng sẽ được nha sĩ chỉ định để phục hồi lại hình dáng và chức năng của răng. Vật liệu trám thường được sử dụng cho trẻ em là GIC, composite. Trước khi trám, nha sĩ sẽ loại bỏ mô răng sâu, sát trùng làm sạch lỗ sâu để hạn chế tình trạng sâu răng tái phát.

Khi sâu răng diễn tiến nặng gây viêm tủy, chết tủy. Điều trị tủy là phương pháp cần thiết để loại bỏ nhiễm trùng, ngăn chặn sự viêm nhiễm lây lan sang các răng kế cận. Sau đó nha sĩ có thể tiến hành trám hoặc mão răng. Trường hợp sâu răng bị hư tổn, viêm nhiễm nặng không thể cứu sống được. Nhổ răng là chỉ định cần thiết.

Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

điều trị sâu răng cho bé tại nha khoa EDEN
Trẻ thăm khám răng định kỳ, đánh giá thực trạng sức khỏe răng miệng tại nha khoa EDEN

3 điều quan trọng không thể thiếu trong mọi “bí kíp” phòng ngừa sâu răng:

  1. Vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần chải 2-3 phút, chải thật nhẹ nhàng; dùng chỉ nha khoa hằng ngày.
  2. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn hoặc uống những thực phẩm có nhiều đường, axit. Ăn nhiều rau củ, trái cây; uống nhiều nước.
  3. Khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.

Con tôi mới mọc 1 chiếc răng có cần chải răng không?

Việc vệ sinh khoang miệng cho bé thực chất nên được thực hiện ngay cả khi bé chưa mọc răng. Bằng cách lau nướu cho bé bằng khăn sạch dành riêng cho bé hoặc miếng gạc ẩm 2 lần/ngày. Sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong miệng con bạn. Điều này giúp bé làm quen với việc vệ sinh răng miệng. Khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên, bạn hãy chải răng cho bé bằng loại bàn chải đánh răng dành riêng cho trẻ em (phù hợp với độ tuổi của bé) và kết hợp với lau nướu mỗi ngày.

Cách chải răng cho trẻ mầm non

chải răng cho bé
Chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ khi còn nhỏ là một cách phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Ảnh: internet
  1. Đứng hoặc ngồi phía sau con bạn để bạn dễ dàng thực hiện và cũng giúp bé cảm thấy an tâm. Tốt hơn bạn nên đứng trước gương vì nó cho phép bạn nhìn thấy miệng của con mình.
  2. Cho trẻ súc miệng với nước sạch.
  3. Làm sạch bàn chải, lấy một lượng kem đánh răng nhỏ như hạt đậu (sử dụng loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ).
  4. Bắt đầu chải răng nhẹ nhàng cho trẻ. Di chuyển bàn chải qua lại dọc theo bề mặt bên ngoài, mặt nhai và mặt trong của răng.
  5. Nhẹ nhàng chải lưỡi từ sau (cuống lưỡi) ra trước để loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng.
  6. Cho trẻ nhổ kem đánh răng ra và súc miệng lại với nước.

Kết luận

Tình trạng sâu răng ở trẻ em hiện nay tại Việt Nam đang rất phổ biến (hơn 85% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng – theo báo lao động). Vì vậy, để giúp con bạn được nằm trong số 15% hiếm hoi còn lại. Cách tốt nhất là bạn nên thực hiện các cách phòng ngừa sâu răng cho bé mỗi ngày.

Khi trẻ lớn dần lên, bạn hãy cho trẻ biết được tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng để trẻ có thói quen tự chăm sóc răng hằng ngày. Ngoài ra, các buổi thăm khám răng định kỳ cũng là điều rất cần thiết để nha sĩ có thể biết được các vấn đề răng miệng của bé và khắc phục kịp thời.

 


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Đăng Ký Gói Trải Nghiệm 0Đ