Trám răng là gì?
Trám răng là một phương pháp phục hồi một răng bị tổn thương do sâu răng, chấn thương hoặc mòn răng. Bác sĩ sử dụng một vật liệu nhân tạo để lấp đầy lỗ sâu trên men răng, hoặc chỗ nứt vỡ của răng. Trám răng cũng có thể tái tạo lên trên bề mặt răng hoặc khe hở thưa răng, giúp cải thiện thẩm mỹ và chức năng ăn nhai.

Trong quá trình trám 1 răng, bác sĩ thường lấy đi những phần răng bị sâu răng suy yếu hoặc tổn thương. Làm sạch vi khuẩn và lấp đầy (trám) lại bằng vật liệu trám răng. Bằng cách đóng lại vùng không gian nơi vi khuẩn tấn công, điều trị làm ngừng tiến trình sâu răng và ngăn ngừa nó quay trở lại.
Vật liệu trám răng được sử dụng có rất nhiều, bao gồm kim loại như bạc (amalgam), vàng, sứ, nhựa composite, nhựa glass ionomer,…Cũng như có nhiều phương pháp trám răng khác nhau, như trực tiếp hay gián tiếp.
Trám răng không phải là một điều trị đơn giản. Tuỳ theo tình trạng răng mà bạn cần được bác sĩ tư vấn về vật liệu và các phương pháp trám khác nhau. Do đó việc trang bị kiến thức về trám răng sẽ giúp bạn có được sự kết quả tốt nhất về lâu dài.
Trám răng cũng được gọi là hàn răng.
Trám răng tiếng Anh là gì? Trong tiếng Anh, nó được gọi là dental filling hoặc cavity filling.
Khi nào cần trám răng?
Bác sĩ sẽ là người khám, chẩn đoán và đưa ra quyết định chính xác khi nào cần trám răng cho bạn. Nhưng bạn cũng có thể tự nhận biết các dấu hiệu cho thấy có thể bạn có răng cần điều trị.

Dấu hiệu cho thấy có thể bạn cần trám răng
- Răng nhạy cảm hoặc răng ê buốt: bạn có thấy răng nhạy cảm với thức ăn nóng – lạnh, hoặc thức ăn ngọt – chua? Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bạn có răng sâu cần được trám.
- Đau răng: răng đau có thể là dấu hiệu cho thấy 1 vấn đề nghiêm trọng. Đừng bỏ qua mà hãy mau chóng đặt hẹn với bác sĩ. Sự chậm trễ có thể làm bệnh đã trầm trọng hơn dẫn đến trám răng lấy tuỷ.
- Lỗ sâu răng: nếu bạn phát hiện 1 lỗ sâu dù nhỏ trên răng, thì khả năng cao là bạn cần được trám-hàn răng. Chú ý là lỗ sâu ban đầu có thể chỉ là 1 chấm đổi màu, thô nhám, sau đó phát triển lớn dần.

- Vỡ hoặc rớt miếng trám răng cũ: khi miếng trám cũ của bạn bị mẻ vỡ, thậm chí rơi ra, thì nên mau chóng đến khám với bác sĩ. Đa phần trường hợp này sẽ cần thay thế mới.
- Nhét thức ăn kẽ răng: thức ăn thường xuyên nhét sâu vào kẽ răng, khó lấy ra bằng chỉ nha khoa hoặc tưa đứt chỉ nha. Có thể đó là dấu hiệu của sâu răng vùng kẽ giữa hai răng.
- Nứt vỡ răng, mẻ múi răng: đây thường là vấn đề nghiêm trọng và bạn cần được bác sĩ đánh giá. Cần xem xét răng có thể trám hay cần phải bọc răng sứ, thậm chí điều trị tuỷ răng hoặc nhổ răng.
Chỉ định của điều trị trám răng
Còn nhiều dấu hiệu khác liên quan đến sâu răng hoặc bạn có răng cần hàn răng. Tuy nhiên, như đã nói trên thì cách xác định chính xác vẫn là khám răng với bác sĩ, được chụp phim x-quang và test lâm sàng đầy đủ.
Sau khi có chẩn đoán, bác sĩ mới đưa ra chỉ định cho bạn. Có thể bạn phải lựa chọn giữa trám và các phương pháp khác như bọc răng sứ. Các chỉ định gồm:
- Sâu răng
- Nứt vỡ răng
- Mòn răng (mòn nhai, mòn cổ răng, mòn rìa cắn)
- Khe hở răng
- Phục hồi thẩm mỹ răng
- Phục vụ cho các điều trị khác: điều trị tuỷ, khớp cắn, cầu mão răng,…
Làm sao bác sĩ biết bạn có răng cần phải trám?
Nhìn
Bác sĩ sẽ dùng gương trong miệng để nhìn quanh tất cả các răng của bạn. Đặc biệt chú ý vào vùng răng mà bạn có than phiền về các dấu hiệu. Lúc này bác sĩ thường tìm kiếm các dấu hiệu đặc trưng của sâu răng. Ví dụ lỗ sâu, vết nứt, điểm đổi màu trên các bề mặt răng.

Kiểm tra bằng thám trâm
Sau khi nhìn, bác sĩ chắc chắn sẽ dùng dụng cụ nhỏ có đầu nhọn gọi là thám trâm, hơi giống với đầu tăm xỉa răng. Nó có tác dụng dò tìm lỗ sâu. Khi chạm vào lỗ sâu nó sẽ giúp bác sĩ biết loại sâu răng và mức độ nghiêm trọng nhờ tính chất bề mặt.
Bác sĩ cũng sẽ gõ nhẹ lên một vài răng để kiểm tra có hay không sự nhạy cảm với lực cắn – một trong những dấu hiệu liên quan đến tuỷ răng (gõ đau).
Phim X-quang
Sau khi bác sĩ khám và kiểm tra răng, hầu hết sẽ cho bạn chụp một số phim x-quang. Chúng sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn sâu bên trong răng của bạn. Bác sĩ thường chỉ cho bạn xem dấu hiệu và vị trí sâu răng trên phim x-quang. Phim giúp bác sĩ khẳng định các chẩn đoán, xác định kích thước và mức độ nghiêm trọng của sâu răng.
Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định mức độ điều trị nào phù hợp cho bạn, cũng như tư vấn các giải pháp cho bạn lựa chọn.
Thực hiện các test chẩn đoán khác
Một số nghiệm pháp thử khác cũng được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán phân biệt hoặc xác định. Tuỳ trang bị của phòng khám có hiện đại không mà có 1 số test như test lạnh, test nhiệt, test điện,…
Sơ đồ răng & tổng hợp các chẩn đoán
Khi bạn có nhiều sâu răng và răng cần trám trên miệng, tại nhiều răng và các vị trí khác nhau. Một sơ đồ răng được bác sĩ ghi chú sẽ giúp bạn dễ hiểu và theo dõi điều trị. Bác sĩ sẽ tổng hợp kết quả chẩn đoán và cho bạn 1 kế hoạch điều trị cho từng mức độ sâu răng.
Một số trường hợp sâu răng sớm, sâu răng nhẹ thì nha khoa Eden thường chỉ định điều trị tái khoáng hoá (remineralization). Kết hợp với fluor ngừa sâu răng thay vì khoan lỗ sâu để hàn răng.
Tư vấn lựa chọn kế hoạch điều trị
Sau cùng thì việc lựa chọn có trám hàn răng hay không là phụ thuộc vào quyết định của bạn. Bác sĩ đưa ra các giải pháp cho mỗi vị trí sâu hoặc tổn thương răng, ưu và nhược điểm của chúng. Nếu bác sĩ cần bạn lựa phương pháp, bạn phải chọn loại vật liệu trám và cách thực hiện.
Phần tiếp theo sẽ nói về phân loại trám-hàn răng theo vật liệu và phương pháp thực hiện.
Các phương pháp trám răng
Đa số mọi người đều nhầm tưởng răng trám răng là điều trị đơn giản. Theo cách nghĩ rằng chỉ cần “đào” lỗ sâu răng ra (lấy mô sâu) và đưa chất trám vào là hoàn tất. Thực tế đó chỉ là phương pháp thô sơ nhất đã có từ lâu, bằng các vật liệu lâu đời là bột trám amalgam (trám bạc – chì) và nhựa ionomer.
Tới ngày nay, có rất nhiều kỹ thuật trám răng với nhiều vật liệu khác nhau ra đời. Đáp ứng được các nhu cầu về chức năng, thẩm mỹ và độ bền khác nhau của bệnh nhân và bác sĩ.
Trong đó có thể chia ra thành hai nhóm phương pháp trám : Trám Răng Trực Tiếp và Gián Tiếp.
Trám răng trực tiếp
Trám răng trực tiếp là cách sử dụng các vật liệu sẵn có tại ghế nha và thực hiện nhanh trong 1 lần hẹn. Miếng trám được tạo ra và đông cứng ngay trên răng. Quá trình đông cứng hoàn toàn và đánh bóng hoàn tất miếng trám có thể kéo dài sang lần hẹn sau.
So sánh các loại vật liệu trám răng:
Vật liệu trám | Độ bền | Tính chất | Giá thành |
Trám Amalgam (trám bạc) | Độ cứng cao.
Độ bền cao Thời gian 10-15 năm |
Màu bạc hoặc đen, không giống màu răng
Có phóng thích ion kim loại Nghi ngờ gây độc ảnh hưởng đến sức khoẻ |
Thấp |
Trám GIC (glass ionomer) | Độ cứng thấp
Độ bền thấp Thời gian 1-5 năm |
Màu trắng, tương đối giống màu răng
Phóng thích fluor ngừa sâu răng Thích hợp trám răng trẻ em, trám |
Thấp |
Trám Composite (trám răng thẩm mỹ) | Độ cứng trung bình.
Độ bền trung bình đến cao. Thay đổi tuỳ vật liệu và kỹ thuật. Thời gian 3-10 năm |
Màu sắc đa dạng và giống màu răng.
Có thể sao chép y hệt răng tự nhiên. Có sự thay đổi màu theo thời gian Cần tái khám duy trì mỗi năm |
Thấp – Trung bình |
Trám răng gián tiếp
Trám răng gián tiếp là phương pháp mà miếng trám được chế tạo trong phòng kỹ thuật nha khoa và do đó cần ít nhất 2 lần hẹn.
- Lần hẹn đầu bác sĩ lấy sạch mô sâu và tạo dạng xoang trám phù hợp. Sau đó lấy dấu răng (đo ni) để gởi sang cho kỹ thuật phục hình răng (gọi là Lab hay Labo nha khoa).
- Lần hẹn sau bác sĩ thử miếng trám đã chế tạo lên trên răng, kiểm tra có vừa khít. Tiếp theo là dán miếng trám hoặc gắn cement (xi măng) vĩnh viễn vào răng.
Trám răng gián tiếp thường được sử dụng trong trường hợp cấu trúc răng còn lại không đủ để nâng đỡ miếng trám. Nhưng tổn thương chưa đáng kể để chỉ định mão răng hay bọc răng sứ. Nhất là khi bệnh nhân mong muốn miếng trám có thời gian sử dụng lâu dài, thẩm mỹ hơn.
Vật liệu trám | Độ bền | Tính chất | Giá thành |
Trám inlay composite | Độ cứng trung bình
Độ bền cao Thời gian 5-10 năm |
Màu sắc giống như màu răng thật
Có sự thay đổi màu theo thời gian Dễ mòn hơn mô răng |
Trung bình |
Trám vàng (inlay vàng) | Độ cứng cao
Độ bền rất cao Thời gian 15-30 năm |
Màu vàng nhạt, không giống màu răng
Không hề gây độc với cơ thể, tương hợp rất tốt Độ mài mòn tương đương mô răng, tốt cho răng đối diện |
Rất cao |
Trám sứ (inlay sứ) | Độ cứng cao
Độ bền cao Thời gian 10-20 năm |
Màu sắc giống màu răng, sao chép y hệt răng tự nhiên
Không thay đổi màu theo thời gian Mòn nhẹ răng đối diện tuỳ loại vật liệu |
Cao
|
Quy trình trám một răng
Các bước trám răng mà bạn có thể sẽ có trong 1 lần hẹn:
Bước 1: Gây tê răng
Tuỳ vào mức độ phức tạp lỗ sâu, bạn có thể được gây tê răng hoặc không cần gây tê. Một số lỗ sâu rất nhỏ thì bạn sẽ không thấy có cảm giác gì khi bác sĩ điều trị trám, nên thực tế không cần phải gây tê răng. Bước gây tê răng có thể là phần gây đau duy nhất trong quy trình, dù rất ít. Một khi răng đã tê, bạn sẽ không thấy cảm giác gì trên răng đó trong khi nha sĩ điều trị.

Nếu cần gây tê răng, thuốc tê bôi dạng gel thường được bác sĩ đặt lên nướu trước để bạn không thấy đau khi chích thuốc tê. Các phương pháp như dùng máy gây tê răng, kĩ thuật gây tê không đau cũng sẽ giúp bạn thấy rất nhẹ nhàng khi điều trị tại Nha Khoa Eden.
Cảm giác tê sẽ mau chóng hết từ 1-2 giờ. Nhưng hiệu quả đem lại rất cao vì nó giúp nha sĩ yên tâm làm sạch hoàn toàn mô răng sâu, thực hiện đủ các kĩ thuật. Đừng ngần ngại nếu bác sĩ đề nghị gây tê răng dù chỉ điều trị 1 duy nhất.
Bước 3: Chuẩn bị răng trám
Một khi bạn đã thấy cảm giác tê răng và nướu, nha sĩ sẽ làm sạch và chuẩn bị lỗ sâu. Đặc biệt sẽ tốt hơn khi làm sạch nếu nha sĩ đặt một tấm màng cao su mỏng gọi là “đê cao su” xung quanh răng.
Đê cao su (dental rubber dam) sẽ giúp ngăn ngừa nước bọt và vi khuẩn xâm nhập vào vùng răng đang làm việc. Đây là tiêu chuẩn theo ADA tại nha khoa Eden để đảm bảo chất lượng của điều trị.

Bước 4: Lấy mô răng sâu
Nha sĩ sử dụng tay khoan nha khoa với các mũi khoan phù hợp để lấy đi các mô sâu chứa vi khuẩn và phần mô răng mềm sẽ không nâng đỡ được cho miếng trám. Phần này có thể mất nhiều thời gian với các lỗ sâu lớn, gần tuỷ răng,..

Đây là giai đoạn quan trọng, yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm của bác sĩ. Nhằm cân bằng giữa việc giữ lại nhiều men răng nhất mà vẫn lấy sạch được mô sâu răng và vi khuẩn.
Sâu răng không được lấy sạch cẩn thận trước khi trám có thể tiếp tục tấn công bên dưới miếng trám. Gây ra sâu răng tái phát và sút rớt sớm sau điều trị.
Bước 5: Chuẩn bị xoang trám
Lỗ sâu răng đã được làm sạch và tạo dạng phù hợp với phương pháp thì được gọi là xoang trám. Mỗi xoang trám tuỳ vào vị trí trên thân răng và số mặt răng mà được phân loại theo số La Mã từ I đến VI. Ví dụ xoang I là xoang chỉ có trên 1 mặt răng (mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong), xoang II là xoang có 2 mặt răng (mặt nhai và mặt bên – kẽ răng),…
Tùy vào loại xoang trám mà nha sĩ có thể phải chuẩn bị phần khung để nhồi chất trám vào theo hình dạng răng. Nó được gọi là khuôn trám răng (matrix).
Đây là phần quan trọng nhất đối với các xoang trám có mặt bên nằm ở kẽ giữa hai răng. Tức là miếng trám sẽ tiếp xúc với răng kế bên. Nếu tạo tiếp xúc vùng kẽ răng không đúng có thể gây nhồi nhét thức ăn. Dễ dẫn đến viêm nướu và nhiễm trùng, sâu răng…

Bước 6: Sát khuẩn, trám nền, trám lót bảo vệ tuỷ răng
Nếu xoang trám quá lớn, sâu răng tấn công đến gần sát tuỷ răng thì tuỳ mức độ mà bác sĩ chỉ định thêm các bước để bảo vệ tuỷ. Vật liệu trám lót thường được sử dụng là canxi hydroxit, có khả năng diệt khuẩn và tăng sinh ngà răng.
Ngoài ra, các vật liệu tốt hơn cho tuỷ răng như MTA, Biodentin,… cũng được nha khoa Eden sử dụng hợp lý cho từng trường hợp. Nhất là để tránh được việc trám răng lấy tuỷ trong các trường hợp viêm tuỷ hồi phục và sâu răng – tại nạn gây lộ tuỷ răng.
Khả năng bị ê buốt răng sau điều trị cũng được kiểm soát tốt hơn. Nếu bác sĩ có sử dụng đúng các phương pháp trám lót-nền trước khi trám hoàn tất.
Bước 7: Đặt chất trám và tạo hình giải phẫu răng
Tuỳ vào vật liệu mà có quy trình và cách đưa vào xoang trám khác nhau. Nó được đắp và điêu khắc để tạo lại hình dạng giải phẫu chức năng của răng.
Bước này quan trọng vì trám 1 răng không đơn thuần chỉ đặt chất trám cho đầy lỗ sâu, cần kiến thức – kĩ năng và cả tính thẩm mỹ trong việc tái tạo lại vẻ tự nhiên – chức năng của răng.

Tiếp theo chất trám cần đông cứng, tùy loại mà chỉ cần đợi đủ thời gian, hoặc dùng đèn chiếu ánh sáng có bước sóng phù hợp để kích hoạt sự đông cứng. Đèn này được gọi là đèn quang trùng hợp, nguồn sáng có thể là Halogen hoặc Led.
Bước 7: Đánh bóng và hoàn thiện miếng trám
Sau khi miếng trám đã đông cứng hoàn tất, nha sĩ sẽ kiểm tra lại khớp cắn của răng trám với răng đối diện bằng giấy than mỏng. Nếu bị cao khớp hoặc cộm lên thì nha sĩ sẽ điều chỉnh với các mũi khoan. Sau đó hoàn tất điêu khắc lại bề mặt miếng trám có hình dạng răng. Cuối cùng là giai đoạn đánh bóng với nhiều bước để tạo lại vẻ sáng bóng và trơn nhẵn của răng, nhất là vùng răng thẩm mỹ.

Trám răng giá bao nhiêu?
Không như đa phần mọi người nghĩ răng giá trám răng thường rẻ và kết quả tương tự nhau, răng sứ thì tốt hơn nên mới mắc tiền.
Ê buốt, đau sau khi hàn răng
Nguyên nhân gây ra ê buốt răng, đau răng sau khi trám
Viêm tuỷ răng
Trước khi nhồi chất trám vào răng, bác sĩ phải làm sạch mô men ngà bị sâu bằng các mũi khoan. Nếu không thực hiện đúng cách và cẩn thận, quá trình này có thể gây ra viêm tuỷ do:
- Khi mài mô răng sinh nhiệt quá mức vì ma sát
- Khoan quá mức cần thiết gây lộ tuỷ răng hoặc gần lộ tuỷ răng (sát tuỷ), mà không có biện pháp bảo vệ tuỷ
- Không lấy sạch mô ngà sâu bên dưới miếng trám
- Không sát khuẩn hoặc nhiễm khuẩn từ môi trường
Mặc dù viêm tuỷ cũng có hai loại: một là viêm tuỷ hồi phục – tức là răng nhạy cảm ê buốt nhưng mau chóng cải thiện và hồi phục. Hai là viêm tuỷ không hồi phục, khi mà tuỷ răng không có khả năng tự chữa lành. Và dẫn đến phải điều trị lấy tuỷ răng.
Dị ứng
E buốt sau khi trám có thể do tình trạng dị ứng của cơ thể với vật liệu. Thay đổi vật liệu có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này.
Sai khớp cắn
Nếu miếng trám mới không được bác sĩ điều chỉnh khớp cắn tốt sau khi làm. Nó có thể dẫn đến các cảm giác đau cả hàm do 1 điểm chạm sớm (cộm) khi cắn 2 hàm lại với nhau.
Vì điểm chạm sớm làm tăng áp lực lên 1 răng, có thể khiến răng đó bị đau do chấn thương khớp cắn. Thậm chí làm bể mẻ miếng trám sớm, do đó bạn cần liên hệ và sớm được điều chỉnh lại bởi bác sĩ.