Bị mất răng có thể làm thay đổi khớp cắn và vị trí các răng khác của bạn, hoặc thay đổi cả hình dạng khuôn mặt. Nó có thể làm cho bạn mất tự tin về nụ cười của bạn, cũng như suy giảm khả năng ăn nhai cùng với sức khỏe.
Nếu bạn lựa chọn để thay thế răng bị mất, nha sĩ có thể đề nghị phương pháp tốt nhất là “trồng răng implant” có chân răng nhân tạo đặt tại chỗ răng mất (hoặc gần đó). Bắt đầu bằng một phẫu thuật gọi là “cấy ghép nha khoa”, để đặt trụ implant bên trong xương hàm.
Implant nha khoa còn gọi chân răng nhân tạo, được phẫu thuật đặt vào trong xương hàm khi bệnh nhân đủ điều kiện về sức khỏe và xương tại chỗ mất răng. Sau vài tháng, phần xương xung quanh implant phát triển, giữ implant chặt chẽ tại vị trí đó. Khi đó một mão răng (thường gọi là “răng sứ”) sẽ được thực hiện, gắn lên trên implant bằng một kết nối kim loại gọi là abutment, và lấp đầy khoảng trống mất răng.
Sau cùng bệnh nhân đã trồng lại được một răng giả (phục hình răng) có cấu tạo và chức năng tương tự nhất với răng thật đã mất. Cả quá trình này được gọi là trồng răng implant.
Quy trình trồng răng implant
Quy trình đòi hỏi nhiều bước trong khoảng thời gian khoảng 3 đến 9 tháng. Bạn có thể cần sự tham gia của một vài bác sĩ chuyên gia nha khoa, bao gồm bác sĩ nha khoa tổng quát và bác sĩ phẫu thuật implant, đôi khi gồm cả bác sĩ phẫu thuật nha chu trước khi điều trị hoàn tất.
Khám và đánh giá
Bước đầu tiên sẽ là bác sĩ khám tổng thể để đánh giá răng, nướu và xương hàm của bạn. Một phần quan trọng của đánh giá ban đầu này là xác định xem bạn có đủ xương hàm khỏe mạnh để duy trì implant cấy ghép hay không.
Nếu xương hàm của bạn quá mỏng hoặc xốp, bạn có thể nên được ghép xương hoặc thủ thuật khác trước khi bắt đầu quy trình trồng răng implant. Nướu của bạn cũng phải không bị bệnh nha chu và khỏe mạnh.
Cấy ghép nha khoa được thực hiện để thay thế một hoặc nhiều răng. Số lượng răng bạn muốn thay thế sẽ xác định loại và mức độ của quy trình điều trị dành cho bạn.
Phẫu thuật cấy ghép răng thường là một điều trị ngoại trú (không nằm viện), thực hiện tại phòng khám nha khoa có phòng phẫu thuật, hoặc bệnh viện.
Nó có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ trong miệng, an thần (tiền mê) hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết trước loại gây mê nào bạn sẽ cần để cấy ghép implant.
Phẫu thuật Cấy Ghép implant
Tóm gọn lại quá trình của 1 phẫu thuật đặt implant vào trong xương hàm gồm:
- Bác sĩ phẫu thuật implant sẽ tạo đường rạch trên nướu, để lộ xương hàm bên dưới.
- Một lỗ sẽ được tạo ra bằng tay khoan implant vào xương hàm, vừa đủ để cắm trụ implant vào.
- Nếu bạn chọn, bác sĩ sẽ thực hiện cho bạn một răng giả tạm thời có thể tự tháo lắp được đặt trên chỗ mất răng. Chủ yếu vì mục đích thẩm mỹ, cho đến khi thân răng vĩnh viễn có thể được gắn vào implant.
Cập nhật mới: tùy theo tình trạng xương, loại implant và kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm của bác sĩ mà răng tạm hoặc răng vĩnh viễn có thể thực hiện tức thì (trong ngày cấy ghép) hoặc sớm trong vài tuần.
Bạn có thể cảm thấy chút khó chịu và sưng sau thủ thuật. Điều này có thể kéo dài trong vài ngày. Hầu hết mọi người thấy rằng họ có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày của họ vào 1 ngày sau khi implant nha khoa đã được đặt.
Tích hợp xương
Sau khi implant cấy ghép nha khoa được đặt, sẽ mất từ 2 đến 6 tháng trước khi có đủ sự phát triển của xương mới xảy ra xung quanh trụ implant. Quá trình này được gọi là osseointegration, có nghĩa là “tích hợp xương” hay “kết hợp với xương”.
Trong quá trình osseointegration, xương hàm tự nhiên sẽ tăng cường và phát triển xung quanh trụ implant. Điều này giữ cho nó chắc chắn tại chỗ, vì vậy nó có thể hoạt động như chân răng nhân tạo trong suốt quá trình ăn nhai sau này.
Gắn Abutment
Một bộ phận kim loại kết nối giữa trụ implant với răng giả bên trên được gọi là abutment – thường được gắn vào implant trong giai đoạn làm phục hình răng (răng giả). Abutment được sử dụng để kết nối răng thay thế răng mất với implant được cấy ghép. Nó nằm xuyên qua lớp nướu để kết nối phía trên miệng với implant bên dưới xương, nên cần phải có phần lỗ của nướu trên implant.
Phần lỗ xuyên qua nướu răng có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật ban đầu hoặc trong một thủ thuật nướu nhỏ thứ hai, dưới sự gây tê.
- Một nắp lành thương có thể được đặt trên implant trong khi cấy ghép, nó có tác dụng để bảo vệ phía trên implant và ngăn ngừa mô nướu phát triển trên nó. Nắp lành thương này được gọi là healing hay healing abutment.
- Nếu một healing trên implant được thêm vào trong thủ thuật thứ hai sau khi implant đã tích hợp xương, bác sĩ phẫu thuật cần phải thực hiện một vết mổ trên mô nướu đã che phủ bên trên implant.
Nướu răng sẽ mất vài tuần để lành lại sau khi đặt healing.
Trong quy trình trồng răng implant thứ hai, nắp lành thương sẽ được tháo ra và abutment sẽ được vặn vào implant nha khoa. Mô nướu sau đó sẽ ôm sát xung quanh abutment, che chở cho phần implant bên dưới. Phần thân răng giả được kết nối với abutment, từ phía trên viền nướu trở lên.
Gắn răng
Sau khi quá trình chữa lành hoàn tất, nha sĩ sẽ lấy dấu răng của bạn để tạo ra răng thay thế vĩnh viễn (phục hình răng sau cùng). Chúng có thể được gắn cố định (răng sứ) hoặc tự tháo rời (hàm tháo lắp trên implant).
Nếu bạn chọn một hàm răng tháo lắp trên implant, nó sẽ được kết nối vào một khung kim loại và gắn vào trụ anutment. Loại răng này có thể được lấy ra tại nhà để làm sạch hàng ngày.
Nếu bạn chọn một răng giả cố định như răng sứ, nó sẽ được gắn cố định bằng xi măng nha khoa hoặc bắt vít vào trụ abutment.
Sau khi quá trình hoàn tất, hãy cho nha sĩ biết nếu bạn cảm thấy khó chịu theo bất kỳ cách nào hoặc nếu bạn gặp phải:
- Liên tục khó chịu
- Đau dữ dội
- Chảy máu
- Sưng
- Không thể hoặc khó chịu khi cắn lại
Răng mới của bạn sẽ có bề ngoài và cảm giác tự nhiên. Chúng phải được chăm sóc bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Không có vật liệu đặc biệt nào cần thiết để làm sạch chúng. Bạn có thể chăm sóc chúng giống như cách bạn điều trị răng tự nhiên của bạn, nhưng theo hướng dẫn của nha sĩ.
Nhớ là phải định kỳ đến khám với nha sĩ 2 lần mỗi năm, để đảm bảo kết quả phục hồi răng mất thành công lâu dài.
Giá thành
Chi phí cấy ghép nha khoa có thể thay đổi tùy theo số lượng răng bạn đang thay thế, cũng như mức độ của từng thủ thuật. Vị trí của phòng khám của nha sĩ cũng có thể đóng một vai trò lớn.
Cấy ghép implant có thể sử dung được kéo dài trong nhiều thập kỷ. Vì lý do này, giá thành của chúng có phần cao hơn các phương pháp trồng răng khác thay thế răng bị thiếu, chẳng hạn như cầu răng hoặc răng giả tháo lắp.
Không giống như cầu và răng giả, bảo hiểm nha khoa không phải lúc nào cũng chi trả chi phí cấy ghép nha khoa. Kiểm tra với nhà cung cấp chương trình bảo hiểm y tế của bạn để tìm hiểu những gì bạn có thể mong đợi về bảo hiểm khi điều trị nha khoa.
Nói chung, mỗi răng cấy ghép implant sẽ có giá khoảng $ 2,000 đến $ 3,000 (trung bình tại Mỹ). Chi phí này chỉ dành cho cấy ghép và không bao gồm chi phí của abutment hoặc mão răng bên trên. Một khi chi phí cho răng thay thế sau cùng được thêm vào, bạn có thể trả tới 6.000 đô la cho mỗi chiếc răng.
Nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên gia ủa bạn nên cung cấp cho bạn một chi phí ước tính hoặc vững chắc trước khi bắt đầu điều trị. Một số phòng khám nha khoa cung cấp các kế hoạch thanh toán lâu dài để làm cho nó dễ dàng hơn.
So sánh trồng răng implant với cầu răng
Cấy ghép nha khoa không phù hợp với tất cả mọi người và có thể quá đắt tiền nếu bạn cần thay thế nhiều răng. Trong một số trường hợp, các biến chứng có thể xảy ra sẽ làm cho phương pháp này không phù hợp với bạn, nếu bạn có các vấn đề sức khỏe khác. Bạn cũng có thể muốn một lựa chọn ít xâm lấn hơn, như phương pháp trồng cầu răng hoặc răng tháo lắp.
Trồng răng implant toàn hàm
Nếu bạn cần thay thế nhiều răng, bạn có thể xem xét cấy ghép nha khoa thay thế tất cả các răng trên hàm (gọi là toàn hàm). Phương pháp này còn được gọi là “All-on-4” hoặc “All-on-6”, tùy thuộc vào việc bạn có bốn implant trên mỗi hàm hoặc sáu implant.
Đối với một trong hai, bạn có thể chọn làm hàm giả trên implant, là một hàm giả tháo lắp được gắn vào implant, hoặc một cầu răng cố định, được gắn xi măng hoặc bắt vít vào các abutment.
Vì một implant đủ chắc chắn để hỗ trợ một vài răng nếu liên kết nhiều implant với nhau. Do đó 6 implant trở lên sẽ đủ để thay thế 10 hoặc 12 răng bị thiếu liên tiếp ở hàm trên hoặc hàm dưới.
Phương pháp này là sự thay thế mới hơn và tối ưu hơn cho các phương pháp trồng răng khác, chẳng hạn như răng giả toàn hàm.
Hàm giả
Hàm giả còn được gọi là răng giả tháo lắp. Chúng được làm vừa vặn với nướu răng để bám dính lên trên, và có thể tự tháo rời bởi bệnh nhân. Không giống như răng giả, trồng răng implant toàn hàm được gắn cố định bằng xi măng hoặc bắt vít và có cảm giác như răng tự nhiên hơn rất nhiều.
Răng giả có thể thay thế tất cả các răng trên hàm (toàn hàm) hoặc một phần các răng (bán hàm). Chúng ít tốn kém vì giá thành hàm giả thấp hơn cấy ghép implant khá nhiều, nhưng có thể không sử dụng kéo dài lâu. Hàm giả cũng có thể yêu cầu chất kết dính (keo dán hàm) để giữ chúng tại chỗ, nếu chúng quá lỏng lẻo trên miệng.
Răng giả thường được bảo hiểm y tế chi trả một phần hoặc toàn bộ, sau khi bệnh nhân phải nhổ răng để điều trị bệnh lý răng miệng.
Cầu răng
Phương pháp cầu răng hay bắc cầu răng sứ cũng là một sự thay thế cho cấy ghép implant. Một cầu răng là một răng giả mà tựa bằng các răng thật nằm hai bên của chỗ răng đã mất. Những răng khỏe mạnh thường được mài nhỏ lại, nhờ vậy mà cầu răng có thể được đặt lên trên nó, dán cố định vĩnh viễn bằng xi măng nha khoa.
Cầu răng không cần phẫu thuật vào xương hàm. Chúng ít tốn kém hơn so với trồng răng implant và thường được bảo hiểm nha khoa chi trả một phần. Chúng có thể cần phải được thay thế định kỳ do sâu răng, bệnh nha chu và răng sứ bị vỡ hoặc nứt. Nhưng nhiều cầu răng có thể tồn tại trong một thời gian rất dài,
Khi nào cần phải trồng răng mất
Răng bị mất hoặc bị hư hỏng có thể do chấn thương hoặc nhiễm trùng, sâu răng, bệnh nha chu,…. Bạn sẽ cảm thấy khó khăn ăn nhai hoặc khi mất thẩm mỹ do xuất hiện một khoảng trống trong miệng vì mất răng, hãy sớm nói chuyện với nha sĩ về loại phương pháp trồng răng tốt nhất dành cho bạn.
Vì những chiếc răng còn lại hiện tại của bạn có thể di chuyển trong nỗ lực giảm bớt khoảng trống mất răng, nên những chiếc răng bị mất có thể làm thay đổi hình dạng hàm răng và khuôn mặt của theo thời gian. Chúng cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến sự ăn khớp của hàm răng trên và dưới của bạn (khớp cắn), từ đó làm giảm sức nhai và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Lời khuyên là, nếu bạn cần phải nhổ răng, hãy tư vấn với nha sĩ ngay về cách phục hồi răng hay trồng răng sẽ nhổ. Nếu bạn đã mất răng, hãy gặp nha sĩ khi khám răng định kỳ và lên kế hoạch sớm nhất có thể để thay thế lại răng mất. Và hãy cân nhắc ưu tiên lựa chọn trồng răng implant, nếu đủ điều kiện.