5/5 - (1 bình chọn)

Việc đưa trẻ đi khám nha sĩ có thể trở thành một thử thách lớn nếu bé sợ hãi và không hợp tác. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị đúng cách, cha mẹ có thể giúp con cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi đến nha sĩ. Dưới đây là một số cách hiệu quả để giúp bé không còn sợ hãi khi đi khám răng mà các bác sĩ EDEN đã áp dụng và hướng dẫn cho ba mẹ khi có con tới khám răng, các bạn cùng tham khảo nhé.

1. Giới thiệu về nha sĩ một cách tích cực

Hãy giúp bé hiểu rằng nha sĩ là người giúp răng khỏe mạnh, không phải là điều đáng sợ. Bạn có thể:

  • Đọc sách, xem video hoạt hình về nha khoa để bé làm quen. 

Chọn những cuốn sách minh họa sinh động về nha sĩ và quy trình khám răng để bé cảm thấy gần gũi. Xem các bộ phim hoạt hình nhẹ nhàng có nhân vật nha sĩ giúp bé cảm thấy quen thuộc với khái niệm này. Thảo luận với bé về những hình ảnh và câu chuyện trong sách, video để bé hiểu rằng đi khám răng là điều bình thường và cần thiết.

  • Giải thích đơn giản về quy trình khám răng, nhấn mạnh rằng không có gì đau đớn.

Sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng, dễ hiểu để mô tả những gì sẽ diễn ra trong phòng khám nha khoa.Nhấn mạnh rằng bác sĩ chỉ kiểm tra răng và làm sạch nhẹ nhàng, không gây đau đớn. Giúp bé hiểu rằng nha sĩ là người bạn giúp răng khỏe mạnh, không phải là người làm bé sợ hãi. Có thể dùng đồ chơi hoặc hình ảnh minh họa để bé dễ hình dung hơn.

  • Chơi trò “nha sĩ và bệnh nhân” tại nhà để bé quen với việc khám răng.

Dùng ghế và dụng cụ đồ chơi mô phỏng phòng khám nha khoa. Cho bé đóng vai bác sĩ khám răng cho búp bê hoặc gấu bông để tạo sự quen thuộc. Để bé thử nằm xuống và bạn giả làm nha sĩ, nhẹ nhàng kiểm tra răng bé giống như bác sĩ thật. Thực hành nhiều lần để bé cảm thấy vui vẻ, quen dần với việc khám răng.

2. Chọn thời điểm khám răng phù hợp

Việc lựa chọn thời điểm thích hợp để đưa trẻ đi khám răng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bé có trải nghiệm tích cực, giảm căng thẳng và sợ hãi khi đến nha sĩ. Dưới đây là những điều cần lưu ý:

  • Chọn thời điểm bé thoải mái 

Không đặt lịch khám khi bé đang buồn ngủ: Khi bé mệt mỏi, cáu kỉnh, bé sẽ dễ quấy khóc và không hợp tác với nha sĩ. Tránh khám khi bé đói: Một đứa trẻ đói sẽ khó chịu, không tập trung và có thể chống đối trong suốt quá trình khám.

Không nên đưa bé đi khám sau những hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng: Nếu bé vừa chạy nhảy nhiều, đi học cả ngày hoặc tham gia các hoạt động thể chất mệt mỏi, bé sẽ không đủ kiên nhẫn để ngồi yên trong suốt quá trình khám.

  • Đưa bé đi khám răng sớm

Lần khám đầu tiên nên diễn ra khi bé mọc chiếc răng đầu tiên hoặc trước 1 tuổi. Điều này giúp bé làm quen với môi trường nha khoa, tránh tâm lý sợ hãi khi lớn hơn. Việc khám răng sớm giúp phát hiện sớm các vấn đề răng miệng. Nếu có dấu hiệu sâu răng, răng mọc lệch hoặc vấn đề về nướu, nha sĩ có thể tư vấn biện pháp xử lý kịp thời.

Bé hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách từ nhỏ. Khi đi khám sớm, bé sẽ quen với việc chăm sóc răng miệng và không cảm thấy lo lắng khi phải tái khám sau này.

3. Giữ thái độ tích cực và bình tĩnh

Thái độ của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ khi đi khám răng. Nếu cha mẹ giữ được sự tích cực và bình tĩnh, bé sẽ cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi đến gặp nha sĩ. Ngược lại, nếu cha mẹ lo lắng, căng thẳng hoặc dọa nạt, bé sẽ có xu hướng sợ hãi và không hợp tác.

  • Không dùng nha sĩ như một hình phạt (ví dụ: “Nếu con không đánh răng, Bác Sĩ sẽ làm con đau, nếu con không khám Bác Sĩ sẽ nhổ răng con…..”). Những lời dọa nạt này có thể khiến trẻ hình thành nỗi sợ hãi với nha sĩ. Thay vì xem việc khám răng là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe, bé sẽ nghĩ rằng đó là một hình phạt dành cho những hành vi sai. Điều này có thể làm bé ám ảnh và tránh né việc đi khám răng trong tương lai.
  • Tránh kể những trải nghiệm nha khoa tiêu cực của người lớn trước mặt bé. Những câu chuyện này sẽ khiến trẻ hình dung ra những trải nghiệm đau đớn, đáng sợ, làm tăng mức độ lo lắng và hoảng sợ trước khi đi khám.
  • Luôn động viên bé và giữ thái độ vui vẻ khi nói về việc đi khám răng. Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của cha mẹ. Nếu cha mẹ lo lắng, bé cũng sẽ lo lắng theo. Nếu cha mẹ tỏ ra bình tĩnh, vui vẻ, bé sẽ thấy thoải mái hơn.

4. Chọn phòng khám nha khoa thân thiện với trẻ

Việc chọn phòng khám nha khoa phù hợp có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái, bớt sợ hãi và hợp tác hơn trong quá trình khám răng. Nếu môi trường nha khoa thân thiện, bé sẽ có trải nghiệm tích cực và không còn cảm thấy việc đi khám răng là một điều đáng lo lắng. Dưới đây là những tiêu chí quan trọng khi chọn phòng khám cho bé:

  • Tìm phòng khám có bác sĩ nha khoa chuyên về trẻ em. Có kinh nghiệm xử lý các tình huống khi bé sợ hãi, quấy khóc hoặc không chịu hợp tác. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, nhẹ nhàng để giải thích cho bé, giúp bé hiểu và cảm thấy yên tâm. Các bác sĩ cũng có thể đưa ra lời khuyên phù hợp để giúp cha mẹ chăm sóc răng miệng cho bé tốt hơn.
  • Không gian phòng khám có đồ chơi, hình ảnh vui nhộn giúp bé sẽ cảm thấy thư giãn, thoải mái và bớt căng thẳng hơn khi chờ khám. Những Video hoạt hình khi nằm trên ghế khám cũng giúp bé phân tâm và không còn phòng bị hay chống cự lại các thao tác khám của Bác Sĩ
  • Bác sĩ và nhân viên nha khoa có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng với trẻ. Có sự kiên nhẫn và động viên để bé hợp tác. Trẻ nhỏ dễ sợ hãi khi gặp người lạ, đặc biệt là trong môi trường y tế. Nếu bác sĩ và nhân viên có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, bé sẽ cảm thấy an toàn hơn. Việc bác sĩ kiên nhẫn, động viên sẽ giúp bé hợp tác hơn trong suốt quá trình khám và điều trị.

5. Để bé làm quen với môi trường nha khoa

 

  • Trước buổi khám chính thức, có thể dẫn bé đến phòng khám để tham quan, làm quen với bác sĩ và không gian. Nếu bé bất ngờ bị đặt vào một môi trường xa lạ (phòng khám, ghế nha khoa, bác sĩ đeo khẩu trang, dụng cụ kim loại…), bé có thể bị hoảng sợ và phản ứng tiêu cực.Khi bé được tham quan trước, bé sẽ có thời gian quan sát, làm quen và hiểu rằng đây là một nơi an toàn.
  • Nếu bé có anh chị hoặc bạn bè đi khám răng, hãy để bé quan sát và cảm thấy yên tâm hơn. Trẻ em thường học hỏi qua quan sát. Nếu bé thấy anh chị hoặc bạn bè của mình khám răng mà không khóc hay sợ hãi, bé sẽ cảm thấy an tâm hơn. Bé có thể tự suy nghĩ: “À, hóa ra đi khám răng không đáng sợ như mình tưởng!”
  • Để Bác Sĩ giới thiệu các vật dụng và cách dùng để khi đưa vào miệng bé sẽ không có phản ứng chống đối. Nếu bé bị đưa dụng cụ nha khoa vào miệng mà không có sự chuẩn bị trước, bé có thể giật mình, hoảng sợ và chống đối. Khi bé được giới thiệu trước về các dụng cụ (gương nhỏ, ống hút nước, bàn chải điện…), bé sẽ bớt sợ và hợp tác hơn.

6. Khen thưởng và động viên bé

Trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi phản ứng của cha mẹ. Nếu bé được động viên và khen thưởng sau khi khám răng, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn và có trải nghiệm tích cực với nha khoa. Điều này giúp bé hợp tác tốt hơn trong những lần khám tiếp theo và hình thành thói quen chăm sóc răng miệng tốt hơn.

  • Sau khi khám răng, hãy khen ngợi bé vì đã dũng cảm.
  • Có thể thưởng bé một món quà nhỏ (như sticker, đồ chơi nhỏ) để bé có động lực hơn trong những lần sau.
  • Tránh dùng đồ ngọt làm phần thưởng để không ảnh hưởng đến răng miệng.

7. Duy trì thói quen chăm sóc răng miệng tại nhà

Việc chăm sóc răng miệng hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho răng bé luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ sâu răng và giúp bé có trải nghiệm tốt hơn khi đi nha sĩ. Nếu bé đã có thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách từ nhỏ, bé sẽ ít gặp phải vấn đề răng miệng và không cảm thấy lo lắng khi đi khám nha khoa định kỳ.

  • Giúp bé hình thành thói quen đánh răng và chăm sóc răng miệng hàng ngày. Răng sữa của bé rất dễ bị sâu nếu không được chăm sóc đúng cách.Nếu bé quen với việc đánh răng mỗi ngày, bé sẽ có ý thức bảo vệ răng miệng tốt hơn khi lớn lên. Một thói quen tốt từ nhỏ sẽ giúp bé giảm nguy cơ gặp các vấn đề nha khoa, từ đó không còn sợ hãi khi đến nha sĩ.
  • Khi bé có răng khỏe mạnh, ít gặp vấn đề, bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đi nha sĩ. Nếu răng của bé được chăm sóc tốt, bé sẽ ít bị sâu răng, viêm lợi hoặc đau nhức, từ đó không có cảm giác sợ hãi khi đi nha sĩ. Nếu lần đầu tiên đi nha sĩ mà bé đã phải chữa sâu răng hoặc nhổ răng, bé có thể hình thành tâm lý sợ hãi mỗi lần khám sau này.
  • Đặc biệt đừng để bé đau răng mới cho tới Nha Sĩ, hãy cho bé thăm khám định kì 6 tháng 1 lần. Tạo thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách và để bé không sợ mỗi lần tới khám.Nếu bé chỉ đến nha sĩ khi bị đau răng, bé sẽ hình thành nỗi sợ hãi và liên kết nha khoa với những trải nghiệm đau đớn. 
  • Việc khám định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề răng miệng, từ đó có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Nếu bé quen với việc khám răng 6 tháng/lần, bé sẽ coi đây là một thói quen bình thường, không có gì đáng sợ.

8. Kết luận

Bằng sự chuẩn bị chu đáo, thái độ tích cực và một phòng khám thân thiện, cha mẹ có thể giúp bé xóa tan nỗi sợ nha sĩ. Khi bé coi việc khám răng như một chuyến phiêu lưu thú vị thay vì một điều đáng lo lắng, bé sẽ hợp tác hơn và hình thành thói quen chăm sóc răng miệng tốt suốt đời.Hãy đồng hành cùng bé ngay từ hôm nay để bé luôn có một nụ cười rạng rỡ, tự tin và một hàm răng khỏe mạnh ba mẹ nhé. Eden tự tin có đủ kinh nghiệm để giúp bé và ba mẹ có một hành trình chăm sóc răng tốt nhất.


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Đăng Ký Gói Trải Nghiệm 0Đ