
Cạo vôi răng có hại không đang được rất nhiều người thắc mắc, dù nó đã không còn là một thuật ngữ xa lạ gì đối với mọi người trong thời nay. Đó là một bước chăm sóc răng miệng nên có và cần phải có mỗi 6 tháng để loại bỏ vôi răng – nơi trú ngụ của hơn 500 loại vi khuẩn gây hại cho răng, thậm chí là sức khỏe toàn thân.
Tuy nhiên, vẫn còn những quan niệm khá buồn cười về cạo vôi răng dẫn đến việc nó bị oan ức nào là hư men răng, làm răng yếu đi… dẫn đến tỉ lệ người Việt Nam đi cạo vôi răng định kì vẫn cực kì thấp. Cùng tìm hiểu chúng là gì qua bài viết sau.

Cạo vôi răng có hại không?
Cũng giống như các điều trị răng miệng khác, cạo vôi răng được chỉ định khi cần thiết dưới chẩn đoán của bác sĩ. Điều trị không chỉ dùng để chữa bệnh mà còn để phòng ngừa bệnh.
Cạo vôi răng vừa là điều trị bệnh lý như viêm nướu, vừa là điều trị phòng ngừa để tránh rất nhiều bệnh lý trong miệng.
Bác sĩ sẽ không chỉ định một điều trị để gây hại cho bệnh nhân, cạo vôi răng cũng vậy. Lợi ích của điều trị cạo vôi răng là rất nhiều, trong khi những khó chịu của nó gây ra là hoàn toàn có thể kiểm soát và hạn chế được.

Nhưng giống như bất kỳ loại thuốc hoặc điều trị nào đều có phần chống chỉ định cùng các thận trọng khác. Cạo vôi răng cũng có những chống chỉ định và lưu ý, nhưng là rất ít. Đối với những thận trọng của cạo vôi răng, thì chỉ cần bác sĩ thực hiện đúng quy trình chẩn đoán điều trị, cạo vôi răng sẽ không gây hại cho răng và nướu của bệnh nhân.
Do vậy, theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA), tất cả mọi người đều nên được cạo vôi răng định kỳ 6 tháng một lần. Điều này đã được khoa học chứng minh qua vô số nghiên cứu, và được đồng thuận của hầu như tất cả các bác sĩ nha khoa trên thế giới.
Quan niệm 1: Lấy vôi răng sẽ làm hư men răng và răng yếu đi?
Đây là quan niệm sai lầm phổ biến nhất. Có lẽ mọi người đang nhầm lẫn với việc mài răng bằng tay khoan. Việc cạo vôi răng là được nha sĩ dùng máy rung siêu âm với tần số phù hợp được cài đặt sẵn, đầu tác dụng của dụng cụ sẽ rung và đánh vào miếng vôi răng. Làm nó bị bong tróc, rớt ra khỏi bề mặt chân răng hoặc thân răng.
Dụng cụ này không có tác dụng lên men răng hay nói cách khác là đầu cạo vôi không đủ sức để phá hủy men răng. Do đó, men răng của bạn hoàn toàn không bị phá hủy thậm chí là trầy xước bởi dụng cụ lấy vôi siêu âm khi cạo vôi. (Bác sĩ thao tác đúng cách với đầu siêu âm).

Quan niệm 2: Cạo vôi răng sẽ làm răng bị hở kẽ răng hoặc thưa răng

Mất nhú nướu
Đúng thật là trong các trường hợp vôi răng nhiều sau khi được cạo vôi răng bạn sẽ thấy răng của bạn xuất hiện các khe hở, xuất hiện các tam giác đen giữa các răng.
Điều này là bởi vôi răng tích tụ nhiều tháng nhiều năm, bám vào chân răng ở vị trí của nhú nướu. Nhú nướu bị chiếm chỗ ban đầu của nó và bị tụt xuống về phía chân răng.
Đến khi vôi răng được lấy đi thì nhú nướu vẫn chưa kịp phục hồi, và thế là khoảng trống xuất hiện. Nhưng bạn hãy yên tâm, nếu bạn vệ sinh đúng cách nhú nướu sẽ hồi phục và sẽ thấy răng lại khít thôi.
Nguyên nhân mất nhú nướu
Đôi khi kẽ hở này không khít hoàn toàn được, một là vì nhú nướu chưa hồi phục tốt thì vôi răng đã nhanh chóng tích tụ lại. Bạn nên chải răng đúng cách, và đặc biệt là dùng chỉ nha để làm sạch mảng bám răng ngay vùng kẽ răng. Việc này hạn chế được vôi răng tích tụ, làm giảm viêm nướu – bệnh lý sẽ làm quá trình hồi phục nhú nướu bị cản trở.
Trường hợp thứ hai, đó là bạn thực sự đã bị bệnh lý nha chu gây tụt nướu (kèm theo tụt nhú nướu). Tụt nướu là biểu hiện bên ngoài, còn thực sự là bệnh nha chu đã làm tiêu xương xung quanh chân răng. Xương tiêu thấp xuống đã kéo theo phần nướu răng đi theo, khoảng trống này bị vôi răng thay thế và khó phục hồi lại hoàn toàn sau khi cạo vôi răng.
Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Quan niệm 3: Lấy vôi răng sẽ đau nướu và gây chảy máu.
Khi có sự xuất hiện của vôi răng đặc biệt là vôi răng dưới nướu, nướu sẽ bị viêm với các triệu chứng là sưng, đỏ, đau, dễ chảy máu mỗi khi chải răng.
Nướu dễ chảy máu khi đụng chạm nhẹ, là biểu hiện của nướu không khoẻ mạnh. Nướu khoẻ thường có màu hồng nhạt và cứng, không đau và chảy máu khi động vào.

Như vậy việc cạo vôi răng cũng giống như chải răng, sẽ làm nướu bạn chảy máu ở thời điểm đụng chạm vào nướu. Nhưng sau đó thì máu sẽ không còn chảy nữa khi quá trình cạo vôi kết thúc. (Như sau khi bạn chải răng xong)
Hơn nữa, cạo vôi răng sạch sẽ thực sự giúp bạn hết viêm nướu. Nướu hết viêm và khoẻ mạnh sẽ hết biểu hiện chảy máu nướu khi chải răng. Điều này cũng cần thời gian vài ngày cho đến vài tuần, tuỳ thuộc nhiều vào vệ sinh răng miệng của bệnh nhân có cải thiện hơn không.

Khi cạo vôi răng, bác sĩ ngoài việc làm sạch vôi răng trên nướu, vết dính và bắt buộc phải lấy hết đi vôi răng dưới nướu vì vôi răng dưới nướu rất nguy hiểm nên bác sĩ sẽ cố gắng len sâu vào nướu để loại bỏ những mảng vôi này.
Do đó, khi cạo vôi bạn sẽ cảm thấy đau ở vài chỗ nhưng bác sĩ sẽ cố gắng làm nhẹ nhàng hết sức để giảm sự khó chịu cho bạn. Thuốc tê cũng sẽ được dùng khi cần thiết để bạn dễ chịu hơn.
Quan niệm 4: Cạo vôi răng làm răng lỏng lẻo hơn và lung lay.
Về bản chất thì lấy vôi răng không làm suy yếu răng. Ngược lại nó ngăn chặn bệnh nha chu, làm mất xương và nướu – những mô nha chu đang ôm giữ lấy răng của bạn dính chắc vào xương hàm.
Trường hợp này thỉnh thoảng gặp ở những bệnh nhân vôi răng rất nhiều, chưa bao giờ cạo vôi răng hoặc quên cạo vôi sau vài năm. Đã bị tiêu xương do nha chu viêm nên răng của bệnh nhân vốn dĩ đã bị lung lay.
(Vôi răng không góp phần trong việc giữ răng cứng chắc hoặc không lung lay).
Nhưng do răng đang được lắp đầy bởi vôi trong khe nướu, các răng lung lay một phần tựa vào nhau thông qua lớp vôi răng dày. Và khi lấy sạch vôi thì các răng ban đầu bị trơ trọi, mà xương ổ răng bị tiêu nên răng có cảm giác lung lay hơn. Nhưng các bạn cũng đừng lo, răng mình sẽ trở nên cứng chắc sau khi răng được làm sạch sẽ và hết viêm.Bởi vì sự bám dính của răng vào xương hàm là thông qua mô nha chu được gọi là dây chằng nha chu sẽ hồi phục và cải thiện sau khi hết viêm nhiễm.
Đối với bệnh nhân có viêm nha chu thực sự, bác sĩ thường chỉ định thêm các điều trị bổ sung. Trong đó có nạo túi nha chu viêm (túi nướu), làm sạch mặt chân răng,…Nếu các răng lung lay với mức độ khá nhiều, bác sĩ cũng thường chỉ định nẹp các răng lại với nhau bằng chỉ thép cùng vật liệu dán như cement, composite.
Những trường hợp này răng sẽ cải thiện được sự lung lay so với ban đầu. Đồng thời mô nha chu cải thiện, giúp tuổi thọ của răng tăng lên.

Quan niệm 5: Lấy vôi răng cũng là tẩy trắng răng
Sau khi cạo vôi răng cùng vết dính, bác sĩ sẽ đánh bóng lại răng bằng bột chứa Fluor. Chúng vừa có tác dụng làm sạch vết dính, ngăn ngừa sâu răng và còn tạo ra bề mặt trơn láng nên khó bám vôi lại hơn. Nên các bạn thấy răng có vẻ sáng bóng hơn.
Nhưng thực tế là vẫn màu cũ nhé. Cạo vôi là chỉ làm sạch bằng các biện pháp cơ học, không làm thay đổi màu răng thực. Mặc dù nó nhanh chóng cải thiện nụ cười sáng bóng, nhất là những ai thường xuyên có vết dính bám trên mặt răng. Vết dính chủ yếu sử dụng thuốc lá hoặc các thức ăn uống đậm màu.
Còn tẩy trắng răng là phương pháp khác, dùng các biện pháp hóa học để loại bỏ các phân tử màu có trong men răng. Nhằm trả lại màu nguyên thủy (trước đó nhiều năm), làm răng trở nên trắng hơn tình trạng hiện tại.

Trên đây là những sai lầm phổ biến nhất về cạo vôi răng và trả lời câu hỏi cạo vôi răng có gây hại không. Tôi hi vọng qua bài viết này có thể giải oan được cho việc cạo vôi răng. Nhưng nếu bạn còn phân vân không biết có nên đi cạo vôi không thì bạn hãy đến liên hệ với nha khoa để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn. Mọi thắc mắc được giải đáp sẽ giúp bạn an tâm hơn khi đến cạo vôi răng, điều sẽ giúp tuổi thọ hàm răng của bạn tăng lên thực sự.