5/5 - (1 bình chọn)
Trám răng lấy tủy là một thủ thuật nha khoa khá phổ biến mà điều trị tủy răng kết hợp với trám răng. Tuy nhiên, nó không áp dụng cho tất cả các trường hợp. Phương pháp này thường áp dụng khi răng bị gãy do va chạm, chấn thương làm lộ tủy răng, hoặc răng bị sâu nặng đã ăn đến sát tủy răng khiến bạn đau ê.
trám răng lấy tủy
Trám răng lấy tủy là phương pháp trám răng cho một số trường hợp bị sâu răng nặng ăn sâu vào tủy. Ảnh: internet

Tủy răng là phần trung tâm, mềm của răng. Nó chứa đầy các dây thần kinh và mạch máu cung cấp sức sống cho răng. Khi răng của bạn bị hư hại do gì đó như sâu răng hoặc chấn thương, tủy răng có thể bị nhiễm trùng.

Tuy nhiên, cơ thể chúng ta có một cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại điều này. Lớp ngà răng (một lớp cứng, dày tạo nên hình dạng cơ bản của răng) bao phủ toàn bộ ống tủy và tủy răng để giúp bảo vệ nó khỏi tác động bên ngoài như sâu răng. Và lớp men răng rất cứng nằm ngoài cùng để bảo vệ tủy răng khỏi các lực gây nứt vỡ răng.

 

Trám răng lấy tủy là gì?

Trám răng lấy tủy là một quá trình kết hợp giữa điều trị trám răng với lấy tủy răng. Trong đó nha sĩ cần phải lấy tủy răng và làm sạch trước khi trám lại lỗ sâu hoặc phần nứt mẻ của răng.

Đối với những trường hợp răng sâu nặng, gây tổn thương đến tủy răng làm viêm tủy hoặc chết tủy, thì việc lấy tủy trước khi trám răng là quy trình hoàn toàn bắt buộc.

Quá trình này thường cần nhiều thời gian, mức độ phức tạp tùy theo từng trường hợp.

Trám răng lấy tủy đòi hỏi nha sĩ phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cao hơn để đảm bảo sự an toàn cho bạn, so với việc trám răng thông thường.

trám răng là gì
Ảnh trám răng thực tế tại nha khoa EDEN.

 

Trường hợp nào cần điều trị tủy răng

sâu răng
Sâu răng ăn sâu đến tủy răng. Ảnh: internet

Điều trị tủy răng chỉ được yêu cầu khi tủy răng đã bị tổn thương do nhiễm trùng bởi vi khuẩn. Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp chụp X-quang và khám lâm sàng, kết hợp các thử nghiệm (test).

Tủy răng bắt đầu chết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và lây lan.

Các triệu chứng của nhiễm trùng tủy răng bao gồm:

  • Đau khi ăn hoặc uống đồ uống nóng hoặc lạnh.
  • Đau khi cắn hoặc nhai.
  • Răng lung lay.

Điều ngạc nhiên là các triệu chứng này thường biến mất khi nhiễm trùng tiến triển và tủy răng đã chết thực sự.

Răng của bạn dường như đã lành, nhưng trên thực tế, nhiễm trùng đã lây lan trong hệ thống ống tủy. Và bắt đầu diễn tiến sâu hơn vào vùng chóp chân răng (trong xương hàm).  Gây nên các bệnh lý như nang quanh chóp răng, áp xe quanh chóp răng,…

Bạn sẽ gặp các triệu chứng khác như:

  • Đau khi cắn hoặc nhai.
  • Sưng nướu răng .
  • Mủ chảy ra từ răng.
  • Sưng mặt.
  • Răng trở nên sẫm màu hơn.

Vì vậy, bạn nên đến gặp nha sĩ ngay nếu bạn bị đau răng. Nếu răng của bạn đã bị nhiễm trùng, tủy răng không thể tự chữa lành nên bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi không được điều trị.

Thuốc kháng sinh (một loại thuốc để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) không có hiệu quả phục hồi trong điều trị nhiễm trùng tủy răng. Nó chỉ có các tác dụng hỗ trợ mà thôi.

Răng như thế nào cần phải nhổ thay vì trám răng lấy tủy?

  • Răng bị sâu quá nặng,
  • Răng bị viêm tủy, viêm nha chu dẫn đến tiêu xương, lung lay không thể điều trị.
  • Răng bị viêm nhiễm quá mức, gây áp xe xương ổ răng hoặc răng bị vỡ mẻ hầu hết phần thân răng, chỉ còn phần chân răng trong xương hàm.

Sau khi nhổ răng, nha sĩ sẽ đưa ra các phương pháp thích hợp để phục hình lại răng đã mất. Tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và tính thẩm mỹ của khuôn mặt.

Phục hồi răng lấy tủy bằng những cách nào

răng sứ
Ảnh minh họa: internet.

Trám răng

Chúng bao gồm các chất trám như GIC, composite, sứ, vàng hoặc bạc. Nha sĩ sử dụng vật liệu trám để lấp kín lại buồng tuỷ răng và lỗ vào do nha sĩ mở ra để tiếp cận làm sạch các ống tuỷ. Trám răng cũng để tái tạo bề mặt răng, thẩm mỹ và khả năng nhai đã bị ảnh hưởng do sâu răng phá huỷ.

Tuy nhiên đối với răng đã lấy tủy, trám răng có thể không đủ để bảo vệ nếu răng đã bị sâu hoặc chấn thương phá huỷ quá nhiều. Khi đó, phương pháp phục hình như mão răng, mão bán phần, endocrown,…sẽ giữ gìn răng lâu dài hơn.

Mão răng (bọc răng sứ)

Phương pháp này giúp phục hồi răng bị hư hỏng, nứt hoặc sứt mẻ quay về hình thái bình thường. Đặc biệt đối với răng đã chết tủy, mão răng giúp bảo vệ phần mô răng giòn yếu còn lại khỏi nguy cơ nứt tét răng.

Trồng răng bắc cầu (trồng cầu răng sứ)

Trồng cầu răng sứ là một dạng của bọc răng sứ kết hợp với trồng răng mất. Các răng thật kế chỗ mất răng được mài nhỏ để chụp cầu răng sứ lên nhằm làm trụ phục hồi cho răng bị mất. Răng đã được điều trị tủy nên được bọc răng sứ, nếu có răng kế cận bị mất, thì có thể kết hợp trong 1 phục hình cầu răng.

Sau khi trám răng lấy tủy, bắc cầu răng là một lựa chọn được nha sĩ đưa ra nếu đủ điều kiện.

Veneers sứ (mặt dán sứ)

Răng đã lấy tủy thường bị sậm màu (đen) và đổi màu theo thời gian. Nếu bạn đang lo lắng về các vết ố vàng do trám răng, răng dị dạng, lệch lạc ít, hay chỉ đơn giản là bạn đang tìm kiếm các giải pháp làm trắng răng vĩnh viễn. Việc lựa chọn veneers cho các răng phía trước sau khi lấy tủy, sẽ kết hợp được với thẩm mỹ nụ cười toàn diện.

Cấy ghép implant

Cấy ghép răng implant là một thủ thuật thay thế chân răng bằng trụ kim loại giống như vít. Phục hồi răng bị hư hỏng hoặc mất bằng răng nhân tạo có hình dáng và chức năng giống như răng thật.

Nếu răng sâu đã hư hại quá lớn, hoặc nhiễm trùng nặng không thể hồi phục được. Thì nhổ răng và trồng răng implant lại là giải pháp tối ưu hơn và an toàn.

Implant cùng dùng cho trường hợp răng đã lấy tủy nhưng vẫn bị nứt tét (không bọc mão răng), hoặc thất bại do điều trị tủy không đạt dẫn đến nhổ răng.

Trám răng lấy tủy có đau không?

trám răng
Trám răng là một phương pháp điều trị sâu răng phổ biến. Ảnh: internet

Một trong những nỗi sợ hãi lớn của chúng ta về trám răng lấy tủy là sẽ gây đau đớn. Nhưng điều trị được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về nội nha (điều trị tuỷ) sẽ tương đối ít đau hoặc không đau.

Cảm giác đau phần lớn xuất phát từ nhiễm trùng chứ không phải do điều trị. Phương pháp điều trị tủy hay nội nha không gây đau đớn mà giúp giảm bớt cơn đau cho bạn.

Bác sĩ nội nha sẽ giảm đau cho bạn bằng cách gây tê cục bộ cho răng và vùng xung quanh trước khi tiến hành lấy tủy.

Sau khi điều trị, có thể bạn sẽ bị đau nhức, ê buốt nhưng nó chỉ là tạm thời và thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) có thể hỗ trợ bạn.

Nha sĩ cũng có thể kê toa cho bạn một loại thuốc giảm đau kèm thuốc kháng sinh để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.

 

Quy trình trám răng lấy tủy

Bước chuẩn bị

chụp x-quang răng
Chụp X-quang giúp nha sĩ xác định rõ vị trí và các vấn đề về răng của bạn. Ảnh: internet

Trước khi điều trị tủy răng, nha sĩ có thể chụp  X-quang vùng răng bị ảnh hưởng. Điều này giúp họ xác định hình ảnh rõ ràng của ống tủy và đánh giá mức độ tổn thương của nó.

Điều trị tủy răng thường được thực hiện sau khi đã tiến hành gây tê tại chỗ để tránh các cơn đau hoặc khó chịu trong quá trình thực hiện.

Trong một số trường hợp tủy răng đã chết (hoại tử) và không còn cảm giác nữa thì có thể không cần sử dụng thuốc gây tê.

Lấy tủy răng

Sau khi răng đã tê, bác sĩ sẽ đặt 1 tấm cao su bảo vệ gọi là “đê cao su” (dental dam), tấm này có tác dụng cô lập răng cần điều trị tủy khỏi nước bọt và giữ răng sạch khuẩn trong suốt quá trình điều trị.

Ngoài ra, nó còn giúp bạn tránh nuốt hoặc hít phải bất kỳ hóa chất nào mà nha sĩ sử dụng.

Bác sĩ nội nha sẽ mở một đường vào buồng tủy trên thân răng. Và các dụng cụ rất nhỏ là các cây trâm nội nha được sử dụng để lấy sợi tủy (gân máu), làm sạch buồng tuỷ răng và các ống tủy trong chân răng. Các ống này được sửa soạn và tạo hình dạng thuôn để chuẩn bị cho giai đoạn trám bít ống tuỷ.

Việc sửa soạn tốt các ống tủy mang tính quyết định đến sự tiêu diệt vi khuẩn ẩn trú bên trong chân răng, xa hơn là thành công lâu dài của điều trị tủy.

Thời gian cho giai đoạn này dao động khá nhiều tùy thuộc vào mức độ phức tạp của hình dạng ống tủy chân răng (rất nhiều biến thể) và kinh nghiệm – kỹ năng của nha sĩ, máy móc hiện đại hỗ trợ.

Làm sạch và trám bít ống tủy

trám răng lấy tủy
Trám răng lấy tủy là một phương pháp khá phức tạp. Ảnh: internet

Sau khi đã lấy sạch tủy răng, nha sĩ sẽ làm sạch và nong rộng ống tủy – ống tủy thường rất hẹp gây khó khăn cho việc trám bít. Ngược lại, nếu mở quá rộng sẽ làm bộc lộ tất cả các lỗ ống tủy sẽ làm cho cấu trúc răng dễ bị yếu đi.

Sau khi buồng tuỷ và ống tủy được sạch sẽ và sửa soạn, bác sĩ sẽ trám bít hoàn toàn khít kín với vật liệu có tính tương hợp sinh học. Vật liệu bít tuỷ này thường mềm như cao su và gọi là Gutta-percha. Cùng với các cây gutta-percha là một loại xi-măng lỏng để đảm bảo tính khít kín của việc trám bít tuỷ.

Sự khít kín của vật liệu trám tủy nhằm đảm bảo không có khoảng hở cho vi khuẩn không gian để phát triển, góp phần vào thành công lâu dài của điều trị tủy.

Thông thường sau giai đoạn này bác sĩ chỉ trám tạm thời phần bên trên của răng cho đến khi xác định điều trị tủy thành công và bắt đầu trám phục hồi răng vĩnh viễn.

Nếu việc điều trị cần được tiến hành trong nhiều buổi, nha sĩ có thể nhỏ một lượng nhỏ thuốc vào ống tủy đã được làm sạch giữa các lần khám để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào còn sót lại.

Nếu bạn có các triệu chứng do nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm giác đau tăng lên hoặc sưng tấy lớn, bạn có thể được kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh để giúp kiểm soát và ngăn ngừa nhiễm trùng thêm.

Quy trình trám răng lấy tủy diễn ra trong bao lâu?

Số lần hẹn có thể từ 1 lần hoặc 3-5 lần tùy tình tình trạng răng của bạn, mỗi lần kéo dài 1-2 giờ cho đến khi bác sĩ đảm bảo hệ thống ống tủy sạch sẽ và hết triệu chứng viêm nhiễm.

Răng cửa và răng nanh của bạn thường có một chân răng duy nhất chứa 1 ống tủy.

Răng tiền hàm và răng hàm (răng cối) có 2 hoặc 3 chân răng, mỗi chân răng chứa 1 hoặc 2 ống tủy.

Răng càng có nhiều chân răng và ống tủy thì thời gian điều trị dứt điểm càng lâu.

 

Nha sĩ sẽ làm gì trong lần khám tiếp theo?

Ở lần khám tiếp theo, miếng trám tạm thời và thuốc bên trong răng sẽ được lấy ra và trám bít ống tủy. Quy trình này giúp làm kín răng và ngăn ngừa tái nhiễm.

Nha sĩ sẽ chuyển cho bác sĩ phục hình răng để thực hiện 1 mão răng toàn phần hoặc bán phần. Phần này rất quan trọng với răng đã điều trị tủy, vừa để phục hồi khả năng nhai cũng để bảo vệ răng đã nội nha vì răng trở nên yếu và dễ vỡ hơn răng còn nguyên vẹn.

Mão răng là gì?
mão răng
Mão răng là một trong những phương pháp giúp phục hình răng. Ảnh: internet

Mão răng là một chiếc mũ chụp hoàn toàn vào một chiếc răng thật. Một số trường hợp cần phải sử dụng mão răng sau khi điều trị tủy để ngăn ngừa gãy răng.

Chúng có thể làm từ:.

  • Thép không gỉ, kim loại (như vàng hoặc các hợp kim khác)
  • Sứ – kim loại
  • Toàn nhựa hoặc toàn sứ.

Nha sĩ sẽ giảm kích thước (mài) răng của bạn và sử dụng mão răng để thay thế và tạo độ thẩm mỹ cho hàm răng.

Họ sẽ lấy khuôn răng của bạn để đảm bảo mão có hình dạng và kích thước phù hợp và vừa khít với răng của bạn.

Khi lắp mão răng, keo dán sẽ được dùng để dán mão vào phần răng đã cạo.

Ở một số trường hợp, nếu chỉ còn lại một ít mô răng sau khi điều trị tủy. Bác sĩ có thể cần có chốt tủy gắn vào ống tủy và được sử dụng để giúp tái tạo lại 1 phần thân răng trước khi làm mão.

Những điều bạn cần làm sau khi trám răng lấy tủy

chải răng
Vệ sinh răng miệng giúp hạn chế sâu răng. Ảnh: internet

Việc trám răng lấy tủy thường sẽ khá phức tạp. Nếu việc lấy tủy thực hiện không đúng cách có thể gây ra các biến chứng khác hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Hãy chọn cho mình một nha khoa thật sự uy tín với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để bạn có thể yên tâm để thực hiện việc điều trị các vấn đề về răng của bạn.

Tuy nhiên, bạn cũng phải kết hợp bằng các biện pháp chăm sóc răng tại nhà:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Hãy giữ cho răng cấy ghép, răng nhân tạo và mô nướu luôn sạch sẽ bằng cách chải răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa sau ít nhất 1 lần/ngày.
  • Thăm khám nha sĩ thường xuyên: Lên lịch kiểm tra răng miệng để phát hiện kịp thời nếu răng đã điều trị có vấn đề bất thường và bảo vệ những chiếc răng còn lại.
  • Tránh những thói quen gây hại: Không nhai đồ cứng, chẳng hạn như đá và kẹo cứng, có thể làm gãy răng đang điều trị – hoặc răng tự nhiên của bạn. Hạn chế hút thuốc lá vì nó là nguyên nhân làm ố răng và các sản phẩm chứa caffeine. Nếu bạn có thói quen nghiến răng hãy nói với nha sĩ để nhận được các biện pháp thích hợp.

Tìm hiểu thêm về trám răng tại đây.

 


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Đăng Ký Gói Trải Nghiệm 0Đ