Nghiến răng là một thói quen xấu có hại cho răng. Nguy hiểm hơn là nó thường xảy ra vào đêm khi chúng ta đang ngủ. Vì vậy, rất khó để có thể kiểm soát nó. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ. Nhưng cách nào là hữu ích thật sự? Cùng nha khoa EDEN tìm hiểu nhé.
Nghiến răng khi ngủ là gì?
Đây là một thói quen nghiến chặt hàm trong vô thức khi đang ngủ. Bạn hầu như không thể tự nhận biết được nếu như không có ai ngủ bên cạnh nói cho bạn hay.
Tình trạng nghiến răng khi ngủ kéo dài có thể gây chấn thương khớp cắn, đau hàm, đau đầu,… Đôi khi, nó tạo ra âm thanh khó chịu cho người ngủ cùng bạn.
Nguyên nhân của tật nghiến răng
Nguyên nhân của thói quen này thật sự rất khó để xác định chính xác. Nhưng, đa phần nó sẽ liên quan đến tình trạng:
- Căng thẳng
- Lo lắng
- Rối loạn khớp cắn
- Nằm sai tư thế khi ngủ
- Tình trạng mất nước
- Răng không thẳng hàng
- Kìm nén cảm xúc khi tức giận
Hoặc nhiều nguyên nhân khác.
Nếu bạn đang ngủ một mình, hãy thử để ý xem hàm bạn có bị đau hay có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường ở răng, hàm mỗi sáng bạn thức dậy hay không. Nếu có, bạn cũng đừng quá lo lắng. Nha khoa EDEN sẽ mách bạn một số cách giúp bạn ngăn chặn thói quen có hại này.
1. Dụng cụ bảo vệ răng miệng: máng nhai
Bạn có thể đã thấy những vận động viên đấm bốc luôn đeo thứ gì đó vào hàm trước khi trận đấu bắt đầu. Đó chính là dụng cụ bảo vệ răng. Tuy nhiên, nó có thể khác một chút về kích thước, chất liệu với dụng cụ bảo vệ răng miệng khi ngủ hay night guard.
Có 3 dạng cơ bản:
Dụng cụ bảo vệ răng miệng làm sẵn
Loại này có giá thường dễ mua và cũng được bán khá nhiều trên thị trường. Chất liệu thường bằng nhựa nên không mấy dễ chịu khi đeo.
Kích cỡ của chúng cũng không khớp chính xác với khuôn hàm của bạn. Gây khó khăn khi nói và có thể rớt ra khi bạn đang ngủ.
Dụng cụ bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít
Loại này khác dụng cụ bảo vệ răng miệng làm sẵn ở chỗ bạn có thể điều chỉnh chúng để khớp với khuôn hàm hơn. Bằng cách đun sôi cho đến khi chúng mềm ra, đặt lên răng của bạn và cắn xuống để tạo dấu răng trên dụng cụ.
Dụng cụ bảo vệ răng miệng thiết kế riêng hay máng nhai
Đây là loại dụng cụ được khuyến khích sử dụng nhất vì một số lợi ích vượt trội:
- Chất liệu mềm hơn: dễ chịu khi đeo.
- Vừa khít với kích cỡ khuôn hàm: dễ dàng hơn khi nói chuyện, hít thở và không bị rớt ra khi ngủ.
- Độ bền cao: do được sản xuất qua từng công đoạn tỉ mỉ nên độ bền sẽ lâu hơn so với các sản phẩm bán tràn lan trên thị trường.
- Có hiệu quả bảo vệ cao: nó hiệu quả với cả người có tật nghiến răng khi ngủ mãn tính. Giúp tránh khỏi tình trạng đau hàm, đau khi há miệng to do tật nghiến răng gây ra.
Dụng cụ bảo vệ răng dạng máng nhai có giá khá đắt nhưng sẽ rất “đáng tiền” với những gì mà nó mang lại.
Máng nhai có rất nhiều công dụng, trong đó có giảm thiểu tật nghiến răng, làm thư giãn cơ hàm khi ngủ.
Nó có nhiều mức độ dày khác nhau tùy theo nhu cầu mà bạn sử dụng.
2. Niềng răng
Niềng răng là một thủ thuật nha khoa có thể được sử dụng để định hình lại khớp cắn. Nó có thể hiệu quả đối với tình trạng nghiến răng do răng mọc chen chúc, không đều, lệch lạc và sai khớp cắn.
Phương pháp này có thể giúp làm lún răng trồi giúp giảm áp lực khớp cắn, hoặc nâng khớp để khớp đều hai hàm răng với nhau. Niềng răng giúp khớp cắn được tốt hơn, giúp thư giãn cơ hàm và giảm dần tật nghiến răng.
Ngoài ra, chắc chắn là nó cũng giúp khuôn mặt bạn trở nên cân đối hơn, cải thiện nụ cười và thẩm mỹ.
3. Tiêm Botox
Nghiên cứu đã phát hiện việc tiêm độc tố botulinum (Botox) có thể giảm đau và tần suất nghiến răng đối với những người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Botox để điều trị tật nghiến răng.
Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi bắt đầu tiêm Botox để điều trị chứng nghiến răng.
Để thực hiện, chuyên gia y tế sẽ tiêm một lượng nhỏ Botox trực tiếp vào cơ cắn (cơ nhai). Đây là một cơ lớn có chức năng di chuyển hàm. Botox sẽ không chữa khỏi bệnh nghiến răng, nhưng nó có thể giúp thư giãn cơ này. Cách này có thể làm giảm chứng nghiến răng và các chứng đau đầu do nghiến răng gây ra.
Có thể cần thực hiện các mũi tiêm tiếp theo sau 3-4 tháng tùy pháp đồ điều trị của bạn.
4. Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học hay còn gọi là điện cơ đồ, là một điều trị trong y học giúp bạn nhận thức và kiểm soát tốt những chức năng của cơ thể. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh và giảm bớt tật nghiến răng khi ngủ hoặc thức.
Trong quá trình này, các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn một số bài tập thư giãn cơ hàm, kiểm soát nhịp thở, nhịp tim,.. Quá trình phản hồi sinh học thường yêu cầu bạn kết nối với máy cảm biến điện để kiểm soát chuyển động của cơ hàm thông qua phản hồi thị giác, thính giác,…
Tuy nhiên, hiệu quả của nó còn chưa được như mong đợi và cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để tránh những rủi ro.
5. Phương pháp giảm căng thẳng
Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,… là những yếu tố liên quan đến bệnh nghiến răng. Việc thư giãn cho cơ thể cũng như đầu óc sẽ giúp bạn cải thiện căn bệnh này.
Đây là phương pháp ngoài giúp cho sức khỏe răng miệng. Mà còn mang lại lợi ích tốt đẹp cho sức khỏe tổng thể. Và hầu như không có rủi ro nào khi thực hiện.
Cùng tìm hiểu một số cách dưới đây:
Thiền
Đã từ lâu, thiền là một phương pháp được nhiều người áp dụng để thoát khỏi những đau đớn về mặt tinh thần. Giúp tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng và không phải chịu những cảm giác buồn hay căng thẳng quá mức vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Thiền cũng là một cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ khá hữu ích.
Bạn có thể tham gia các lớp học. Hoặc xem các bài giảng trên youtube và tự thực hành theo tại nhà.
Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn luyện tập thiền và sử dụng nó như một phương pháp bổ sung cho các điều trị khác.
Yoga
Yoga là một cái tên quá quen thuộc với mọi người. Không chỉ vì những lời truyền miệng về lợi ích của nó. Mà đã có nghiên cứu thử nghiệm và cho kết quả rằng: yoga có thể giúp cải thiện căn bệnh trầm cảm từ nhẹ đến trung bình sau mỗi bài tập.
Tuy nhiên, tùy theo tình trạng người bệnh, phương pháp tập và thời gian tập sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.
Yoga ngoài là một cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ và giúp điều trị các vấn đề khác về tâm lý.
Trò chuyện, chia sẻ
Nếu bạn đang gặp phải những “nốt trầm” trong cuộc sống, đừng giấu nó cho riêng mình. Hãy chia sẻ với mọi người, đặc biệt cả với bác sĩ tâm lý. Đôi khi, bạn có thể không nhận thấy được những cảm xúc tiêu cực có tác hại thế nào đối với cơ thể của mình.
Bạn bè có thể động viên bạn. Bác sĩ tâm lý có thể có biện pháp giúp đỡ bạn bằng cách kê đơn thuốc; hướng dẫn bạn cách để tháo bỏ những khúc mắc trong cuộc sống. Mặc dù nó vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Tập thể dục
Khi tập thể dục, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra một chất gọi là endorphin. Tên nó khá giống với “dolphin” – cá heo. Một loại cá có thể biểu diễn và giúp con người giảm bớt căng thẳng. Và chất endorphin cũng như thế, nó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Nếu bạn chưa quen, hãy thử bằng các bài tập đơn giản trước. Hoặc bạn có thể đi bộ vài vòng. Hãy luôn kiên trì và dần dà bạn sẽ hiểu được giá trị tốt đẹp của nó.
6. Bài tập cơ lưỡi và hàm
Các bài tập cơ lưỡi (bài tập Mewing) và cơ hàm có thể giúp bạn thư giãn cơ hàm và cơ mặt, giúp duy trì hai hàm tiếp xúc nhau ở đúng vị trí (đúng khớp cắn) trong thời gian tập luyện. Nhằm tạo thói quen cho hàm.
Bạn có thể thử những cách này ở nhà hoặc thực hiện với sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Cách này chưa được chứng minh là có khả năng giảm được tật nghiến răng, tuy nhiên tác dụng của nó với trường hợp đi kèm với tật đẩy lưỡi và thở miệng là khá rõ ràng.
Đặt lưỡi chạm vào mặt trong của răng cửa trên, sau đó há miệng nhẹ nhàng. Điều này giúp thư giãn hàm.
Hoặc tham khảo một số bài tập khác tại đây.
Có nhiều cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên, cách nào là phù hợp cho bạn? Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên bạn phải tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh này. Nếu nó không xuất phát từ căng thẳng hay stress thì có thể phương pháp tập thể dục hay thiền không phải là cách tối ưu.
Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thăm khám nha khoa nếu bạn có tật nghiến răng khi ngủ. Chỉ bác sĩ mới có thể giúp bạn xác định rõ nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm căn bệnh này.
Các triệu chứng và biến chứng của tật nghiến răng
Nghiến răng khi ngủ có thể có các triệu chứng và dẫn đến nhiều biến chứng khác, bao gồm:
- Đau đầu
- Đau ở hàm, mặt và tai
- Mòn men răng
- Răng lung lay hoặc đau răng
- Răng bị nứt, bị mẻ hoặc bị gãy
- Vỡ miếng trám và hỏng các phục hồi nha khoa khác như bọc răng sứ, cấy ghép implant,…
Một số trường hợp, tật nghiến răng ảnh hưởng đến khả năng nói, nhai và nuốt.
Bạn hầu như không thể nhận ra mình nghiến răng cho đến khi các triệu chứng xuất hiện.
Nguy cơ biến chứng do nghiến răng có thể tăng lên nếu nó không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng do tật nghiến răng kéo dài:
- Đau tai và đau đầu mãn tính
- Phì đại cơ mặt làm cho khuôn mặt bất cân xứng
- Tổn thương răng: gãy răng, mẻ răng,.. phải cần các thủ thuật nha khoa để điều trị: trám răng, mão răng hoặc cầu răng,…
- Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Khi nào cần khám nha khoa?
Bất cứ khi nào bạn phát hiện mình có dấu hiệu đáng nghi. Hoặc người ngủ bên cạnh nói với bạn rằng bạn hay nghiến răng khi ngủ. Hãy liên hệ ngay với nha sĩ. Họ sẽ giúp bạn kiểm tra và điều trị các tổn thương ở răng nếu có. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ nhận được các liệu pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này.
Kết luận
Nghiến răng là một tật khá nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của bạn.
Một tinh thần thoải mái, một hàm răng đều và khỏe mạnh sẽ là những yếu tố giúp bạn tránh khỏi tình trạng này.
Bên cạnh đó, hãy luôn thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/ 1 lần. Để giúp kiểm tra và điều trị kịp thời nếu có xảy ra bất kì tổn thương nào ở răng nhé.