5/5 - (1 bình chọn)

Răng lung lay là bình thường đối với trẻ em có răng sữa, nhưng nhận thấy răng lung lay khi trưởng thành là một điều đáng lo ngại. Điều này xảy ra khi một chiếc răng từ từ tách ra khỏi nướu và xương. Bất kì một sự động chạm nhẹ nào cũng có thể khiến răng di chuyển. Việc không được điều trị khiến răng có nguy cơ bị mất sớm, thậm chí rơi rụng răng ra khi ăn nhai.

răng lung lay

Răng bị lung lay ở tuổi trưởng thành không phải là điều xảy ra tức thì, đa phần nó diễn tiến chậm rãi. Ban đầu, bạn có thể nhận thấy sự khác biệt trong khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, hoặc nha sĩ của bạn có thể nhận thấy dấu hiệu này trong cuộc hẹn khám nha khoa định kỳ.

Các bệnh gây ra triệu chứng này có thể điều trị được. Nếu được phát hiện sớm, bạn có giảm bớt nhiễm trùng, ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và phục hồi sức khỏe của răng.

Răng lung lay là gì?

Răng bị lung lay là triệu chứng răng yếu đi, có cảm giác răng rung rinh – di chuyển nhiều khi sờ vào hoặc cắn lại, và cảm giác răng bị trồi lên. Thực tế nó là hiện tượng cho thấy kết nối của răng vào trong xương hàm bị giảm đi.

Răng được kết nối cố định trong xương hàm (xương ổ răng) bởi dây chằng nha chu. Dây chằng nha chu là một nhóm các sợi mô liên kết chuyên biệt, về cơ bản để gắn một chiếc răng vào xương ổ răng mà nó nằm trong đó. Nó liên kết một bên là xê măng chân răng, và một bên là xương ổ răng. (Theo Wikipedia)

Dây chằng nha chu và xương ổ răng có thể bị tiêu biến dần đi bởi nhiều bệnh lý nhiễm trùng: bệnh nha chu, viêm quanh chóp răng, viêm tủy răng,…; dẫn đến răng bị lung lay.

Lực mạnh cho chấn thương tai nạn cũng có thể khiến xương ổ bị nứt vỡ và/ hoặc dây chằng nha chu đứt rời; khiến răng bị lung lay mạnh – thậm chí rơi ra khỏi ổ răng.

Nguyên nhân răng bị lung lay

Tại sao răng bị lung lay?

Bệnh nha chu

Trong đa số trường hợp, răng lung lay là do bệnh nha chu tiến triển nặng hơn. Xảy ra khi nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công nướu (lợi), mô nha chu bao gồm cả xương xung quanh răng của bạn.

Bệnh nha chu là tên gọi chung các bệnh lý của phần nướu (lợi) xung quanh răng, trong đó thường gặp nhất là viêm nướu và viêm nha chu.

Trong chuyên môn nha khoa, nha chu là các mô xung quanh răng để nâng đỡ cho răng (“nha” là răng, “chu” nghĩa là xung quanh).

Nó thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém, không khám nha khoa và cạo vôi răng định kỳ.

Khi đánh răng chưa tốt, không loại bỏ được mảng bám, viêm nướu răng và bệnh nha chu có cơ hội phát triển.

Mảng bám là lớp màng dính trên răng tạo ra từ thức ăn thừa, có chứa đầy vi khuẩn. Nó dính vào răng và cứng dần theo thời gian cho đến khi chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ nó.

Mảng bám cứng, được gọi là cao răng (vôi răng), khiến nướu bị kéo ra khỏi răng, tạo ra những khoảng trống có thể bị vi khuẩn xâm nhập vào mô nha chu. Theo thời gian, quá trình viêm nhiễm có thể phá vỡ xương và mô nâng đỡ răng, khiến răng bị lung lay.

Nếu không được điều trị, bệnh nha chu có thể tiến triển và dẫn đến tiêu xương và mất mô nha chu nâng đỡ. Răng của bạn sẽ không nhận được sự kết nối cần thiết và sẽ trở nên lung lay.

Bệnh nhiễm trùng do viêm tủy răng

Sâu răng và diễn tiến nặng của nó là viêm tủy răng có thể dẫn đến sự phá hủy của xương hàm xung quanh răng. Thông thường nó bắt đầu từ chóp chân răng, gọi là viêm quanh chóp. Bệnh lý này có thể diễn tiễn chậm kiểu mãn tính và hình thành nên nang quanh chóp, phá hủy xương hàm một cách chậm rãi cho đến khi răng bị lung lay.

Hoặc bệnh lý có thể biến thành áp xe quanh chóp cấp, gây đau đớn khủng khiếp và làm lung lay răng nhanh chóng do sự hình thành của mủ và dịch viêm.  Bạn cần phải đến khám ngay với bác sĩ nếu răng cảm thấy răng rung rinh nhiều chỉ sau một thời gian ngắn, hoặc cảm giác răng trồi lên và rất đau khi cắn lại.

Nghiến răng

Nghiến răng khi ngủ là thói quen xấu có thể làm hỏng răng và gây ra các biến chứng khác như đau đầu và đau mặt.

Bạn không thể kiểm soát được thói quen này, thường được nhận biết bởi người thân ngủ cùng, hoặc triệu chứng như buổi sáng tỉnh dậy thấy mỏi hàm, đau cơ, đau khớp hàm,…

Nằm mơ thấy răng bị lung lay cũng là một truyền miệng chưa được kiểm chứng về tật nghiến răng khi ngủ.

Thai kỳ

Nồng độ estrogen và progesterone tăng lên trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến xương và mô nướu trong miệng.

Có nhiều 2 loại hormone này hơn có thể làm thay đổi nha chu – tập hợp xương và dây chằng nha chu và giữ cho chúng ở đúng vị trí. Khi nha chu bị ảnh hưởng, một hoặc nhiều răng có thể cảm thấy lung lay.

Những thay đổi này có thể giải quyết sau khi mang thai và chúng không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, bất kỳ ai bị đau hoặc lung lay răng khi mang thai đều nên đến gặp nha sĩ để loại trừ bệnh nướu răng và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ, việc kiểm tra răng miệng, làm sạch và chụp X-quang là an toàn cho những người mang thai.

Trên thực tế, vì có thể có mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và việc sinh non, phụ nữ mang thai được khuyến khích đến gặp nha sĩ thường xuyên hơn.

Chấn thương răng

Một số tác động từ bên ngoài như: té ngã, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao,… có thể làm tổn thương răng và mô xung quanh.

Chấn thương hàm hoặc vùng mặt có thể gây ra tình trạng răng lung lay tạm thời, hoặc vĩnh viễn. Răng có thể bị mẻ, hoặc nứt gãy, có hoặc không đi kèm với sự lung lay của răng.

Nếu bạn gặp phải chấn thương và nghi ngờ nó đã làm ảnh hưởng răng thì nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.

Loãng xương

Loãng xương là căn bệnh khiến xương yếu đi và trở nên xốp hơn. Do đó, ngay cả những va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến gãy xương.

Trong khi loãng xương thường ảnh hưởng đến cột sống, hông và cổ tay, nó cũng có thể làm ảnh hưởng xương ở hàm hỗ trợ nâng đỡ cho răng.

Nếu xương hàm trở nên loãng hơn, răng có thể bị lung lay và rụng. Viện Y tế Quốc gia (NIH) ở Mỹ cũng có báo cáo rằng: loãng xương có liên kết trong việc tăng nguy cơ gây bệnh về nướu và nha chu.

Dấu hiệu nhận biết

bệnh viêm nướu răng
Bệnh viêm nướu răng là tình trạng nướu bị sưng và tuột khỏi chân răng. Ảnh: internet

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra miệng của bạn để tìm vôi răng tích tụ và bằng cách sử dụng một cây đo túi để đo độ sâu túi của bạn – đây là khoảng trống giữa răng và nướu của bạn (khe nướu).

Theo Mayo Clinic, độ sâu bình thường là từ 1-3mm. Nếu độ sâu túi của bạn lớn hơn, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh nướu răng. Nha sĩ của bạn có thể yêu cầu chụp X-quang nha khoa để kiểm tra tình trạng mất xương.

Răng bị lung lay có các triệu chứng ban đầu sau đây:

  • Nướu mềm, đỏ, đau hoặc sưng.
  • Nướu chảy máu khi đánh răng.
  • Tụt nướu răng (tụt lợi) – phần rìa của mô nướu bao quanh răng bị mất đi hoặc kéo xuống, lộ ra nhiều răng hoặc chân răng.
  • Có sự thay đổi trong khớp cắn của răng.
  • Cảm giác trồi răng hoặc xô lệch răng

Bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nướu răng đều cần được nha sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa mất răng.

Phương pháp điều trị răng lung lay ở người lớn

Điều trị tại nha khoa EDEN
Điều trị tại nha khoa EDEN.

Việc điều trị sẽ bắt đầu sau khi bác sĩ xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng răng lung lay.

Nếu bạn bị bệnh nướu răng, bạn sẽ cần một quy trình làm sạch răng đặc biệt để loại bỏ mảng bám cứng đã tích tụ bên dưới răng và nướu của bạn. Đây được gọi là cạo vôi răng (scaling) và xử lý gốc răng / làm sạch sâu chân răng (root planing) . Bạn cũng có thể nhận được thuốc kháng sinh để giúp tiêu diệt sự nhiễm trùng nếu có.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nướu răng, nha sĩ có thể chỉ định bạn làm các thủ thuật khác.

Điều trị răng bị lung lay

  • Điều trị nha chu. Cạo vôi răng, điều trị viêm nướu, xử lý gốc răng,… là những điều trị nha chu thông thường và đơn giản. Chúng có thể phục hồi lại răng bị lung lay do bệnh nha chu ở mức độ nhẹ đến vừa.
  • Phẫu thuật. Bác sĩ rạch nướu và bóc tách mô nướu ra để thực hiện thủ thuật cạo vôi răng và xử lý gốc răng. Mô nướu được khâu đặt lại như cũ lại sau khi làm thủ thuật. Phương pháp này có thể ngăn ngừa sự mất răng thêm do bệnh nha chu trung bình đến nặng.
  • Ghép xương. Trong trường hợp xương bị tiêu đi nhiều, bác sĩ có thể lấy các mảnh xương từ vùng khác trên cơ thể hoặc sử dụng vật liệu ghép xương nhân tạo đặc biệt và để sửa chữa phần xương bị bệnh trong miệng của bạn. Điều này giúp làm cứng chắc lại răng của bạn một phần.
  • Nẹp răng. Nếu răng lung lay chưa bong ra khỏi nướu, bác sĩ có thể cứu chiếc răng bằng cách sử dụng nẹp. Bác sĩ sử dụng một miếng kim loại để kết dính hai răng lân cận. Điều này giúp cho chiếc răng lung lay được hỗ trợ thêm và giữ cho nó không di chuyển.
  • Điều chỉnh khớp cắn. Quy trình này định hình lại bề mặt nhai của răng bằng cách loại bỏ một lượng nhỏ men răng. Điều này làm giảm áp lực lên răng, cho phép nó lành lại. Đây là một lựa chọn cho tình trạng răng lung lay do nghiến răng (grinding).
  • Đeo máng bảo vệ ban đêm (máng nhai). đeo hàm bảo vệ ban đêm khi ngủ giúp hạn chế được tác hại của tật nghiến răng vào ban đêm. Điều này tạo ra một hàng rào bảo vệ giữa răng trên và dưới.

Các phương pháp điều trị tại nha khoa có thể cải thiện sức khỏe của nướu và xương của bạn. Điều này cũng thúc đẩy quá trình chữa lành và làm chắc răng.

Các điều trị khác

Răng lung lay có thể tiến triển và cuối cùng tách ra hoàn toàn khỏi nướu và xương. Điều này có thể xảy ra với bệnh nướu răng nghiêm trọng, bệnh nha chu hoặc do tật nghiến răng chưa được khắc phục.

Trong trường hợp lung lay nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ răng và thay thế bằng cấy ghép implant hoặc cầu răng:

  • Cầu răng: loại mão răng này tạo ra một cầu nối giữa hai răng khỏe mạnh, được kết nối bằng một răng giả ở vị trí răng bị mất.
  • Cấy ghép implant: là dùng chân răng nhân tạo cắm chặt trong xương để làm trụ nâng đỡ các mão phục hình, các cầu răng và các phục hình tháo lắp (lọai bán hàm hay loại toàn hàm) để thay thế một hay nhiều răng đã mất.

Răng lung lay do chấn thương hầu như là không thể ngăn ngừa được. Bạn có thể giảm nguy cơ chấn thương bằng cách đeo miếng bảo vệ miệng khi chơi thể thao.

Cách ngăn ngừa răng bị lung lay

Cạo vôi răng có hại không
Cạo vôi răng là phương pháp làm sạch răng chuyên nghiệp tại nha khoa. Ảnh: internet

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng răng lung lay bằng cách:

  • Đánh răng ít nhất 2-3 lần/ ngày.
  • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
  • Làm sạch răng định kỳ tại nha khoa ít nhất 2 lần/ năm.
  • Đeo hàm bảo vệ miệng khi ngủ nếu bạn có tật nghiến răng vào ban đêm.
  • Hạn chế hút thuốc.
  • Luôn bổ sung đủ canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa loãng xương.
  • Luôn kiểm soát bệnh tiểu đường (nếu có) vì nó là một yếu tố nguy hiểm có thể gây ra bệnh nướu răng.

Liên hệ ngay với nha sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, chẳng hạn như hơi thở hôi, nướu đau hoặc nướu chảy máu.

Kết luận

Đối với một người trưởng thành, một chiếc răng lung lay có thể đáng lo ngại vì chúng hoàn toàn không thể mọc lại được. Nhất là sự lung lay do bệnh nha chu là bệnh lý phá hủy xương, răng có thể không còn quay lại cứng chắc như cũ, dù đã điều trị hết cách.

Tuy nhiên luôn thể cứu được chiếc răng khi vấn đề được phát hiện sớm.

Cần nhận biết các nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu răng và tích cực chăm sóc răng miệng để phòng tránh. Những người bị loãng xương và tiểu đường sẽ dễ bị các vấn đề về răng hơn nên cần phải thăm khám nha sĩ thường xuyên.


Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Răng bị lung lay […]

Đăng Ký Gói Trải Nghiệm 0Đ