Trồng răng implant (cấy ghép implant) ngày càng được rất nhiều người mất răng lựa chọn thay vì các phương pháp khác. Bởi vì lợi ích không thể bàn cãi là độ bền của răng implant( có thể trọn đời), và xa hơn là cảm giác ăn nhai giống răng thật nhất. Bài viết sau của bác sĩ phẫu thuật implant có thể cung cấp một vài thông tin quan trọng: lợi ích, các loại implant, độ an toàn/ lưu ý khi cấy ghép, trồng răng implant giá bao nhiêu? và quy trình phải trải qua để hoàn thành 1 răng implant.
1.Tại sao bạn nên trồng răng implant?
Trồng răng implant là gì?
Trồng răng implant hay Cấy ghép implant được biết đến rộng rãi ngày nay đã được tìm ra từ năm 1952 bởi nhà phẫu thuật chỉnh hình người Thuỵ Điển tên là Per-Ingvar Brånemark. Ngày nay nó được xem là tiêu chuẩn tối ưu của điều trị phục hồi lại răng mất – hay còn gọi là trồng răng.
Cách thực hiện
Một răng implant là 1 trụ kim loại được đặt bên trong xương hàm, cho phép kết hợp chặt chẽ với xương sau vài tháng. Răng implant có tác dụng thay thế cho chân răng của răng mất. Do đó, “chân răng giả” này có vai trò giữ 1 phục hồi “thân răng giả” bên trên: mão răng (chụp răng), cầu răng hoặc hàm giả.
Tiến trình kết hợp giữa implant và xương hàm được gọi bằng thuật ngữ y khoa: “Tích hợp xương”. Nên một răng giả có chân răng implant trong xương hàm là cách “bắt chước” gần giống 1 răng thật nhất, vì nó đứng vững 1 mình không phải dựa vào các răng thật còn lại (như cách của trồng răng bắc cầu răng/ hàm tháo lắp).
Hầu hết các implant hiện đại ngày nay được làm từ Titanium, một kim loại quý có đặc tính không gây phản ứng thải trừ của cơ thể (tỉ lệ rất nhỏ có dị ứng với Titanium). Ngoài ra vẫn có loại implant được làm từ Zirconia, một vật liệu oxit gần giống sứ (có màu trắng) dùng cho vùng thẩm mỹ.
Qua nhiều năm, khoa học và công nghệ ngày càng tiến bộ giúp nâng cao kết quả của điều trị Cấy ghép implant. Ngày nay, tỉ lệ thành công của trồng răng implant đã gần đến 98% (là tỉ lệ rất cao trong các điều trị nha khoa).
Lợi ích
Trồng răng implant có thể dùng để phục hồi răng đơn lẻ (trồng 1 răng mất), phục hồi nhiều răng (trồng nhiều răng mất), hoặc phục hồi toàn hàm (trồng răng nguyên hàm). Mục tiêu của trồng răng là phục hồi cả chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
2. Các phương pháp trồng răng hiện nay
- Hàm răng giả tháo lắp, toàn hàm hoặc bán hàm (tháo ra lắp vào, tựa lên nướu và/hoặc móc lên răng thật)
- Cầu răng (bắc cầu răng – gắn cố định bằng xi-măng tựa lên vài răng thật)
- Trồng răng implant
Răng giả tháo lắp
Hàm giả hay răng giả tháo lắp có giá thành rẻ nhất và dễ chịu nhất để phục hồi lại răng mất. Nhưng nó cũng là cách ít được mong đợi nhất vì nhiều bất tiện của sự lỏng lẻo khi mang hàm giả. Xa hơn là cảm giác nhai không được truyền dẫn như răng thật, làm giảm hứng thú của việc thưởng thức món ăn và chất lượng cuộc sống.
Cầu răng
Cầu răng hay trồng răng bắc cầu cũng là cách rất thông dụng lâu nay, có nhiều ưu điểm hơn so với hàm giả điển hình là sự cố định (do gắn xi măng lên răng thật còn lại). Có thể xem như là cách chuyển tiếp giữa hàm giả và implant, nhưng khuyết điểm lớn nhất của cách này là phụ thuộc và tình trạng các răng thật còn lại quanh chỗ răng đã mất. Sự sống và tính bảo tồn của các răng thật bị mài (sửa soạn) để làm trụ cầu răng là vấn đề cần được bác sĩ cân nhắc và bàn thảo với bệnh nhân trước khi thực hiện.
Trồng răng Implant
Trồng răng Implant là cách tối ưu nhất hiện tại để phục hồi răng mất, nhưng không phải trường hợp nào hoặc bất kỳ ai đều có thể trồng implant. Những yếu tố chính sau ảnh hưởng đến lựa chọn trồng răng implant là tốt cho trường hợp mất răng của bạn hay không:
- Vị trí của răng bị mất
- Chất lượng và thể tích của xương hàm nơi implant cấy vào
- Sức khỏe của bệnh nhân
- Giá và chi phí trồng răng implant
- Mong muốn của bệnh nhân
Bác sĩ chuyên về implant sẽ khám vùng mất răng về lâm sàng để xem xét tình trạng tại chỗ và toàn thân có phù hợp với điều trị trồng răng Implant không.
Nếu bạn phù hợp để trồng răng implant thì lựa chọn này là tối ưu nhất hiện nay, răng implant có thể thay thế và cho cảm giác giống hơn 90% so với răng thật mà không gây tác động tiêu cực lên các răng còn lại.
3. Có những loại implant nào?
Trong lịch sử, về mặt bản chất thì implant có 2 loại:
- Implant trên màng xương (Subperiosteal implants): từng được sử dụng, ngày nay không còn dùng nhiều. Có thể dùng cho các bệnh nhân không còn đủ thể tích xương, một khung (lưới) kim loại gắn bằng nhiều vít phía trên xương nhưng nằm dưới nướu và có 1 trụ xuyên qua nướu để gắn phục hồi.
- Implant trong xương (Endosteal implants): là implant nằm hoàn toàn bên trong xương (dưới nướu răng). Là dạng implant nha khoa thông dụng nhất hiện nay. Một khi đã tích hợp với xương hàm có thể cần phẫu thuật thứ hai để gắn trụ kết nối (abutment) với implant, và phục hồi (răng giả) sẽ được gắn lên trên trụ này.
Implant titanium
Cách này không chỉ được sử dụng để phụci hồi răng mất, nó còn có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác. Mini implant (minivis) trong niềng răng được sử dụng như con vít bắt vào xương để neo chặn kéo các răng di chuyển. Các vít titanium còn dùng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật hàm mặt/ thẩm mỹ để kết hợp xương…Nhưng các vít này thường được tháo ra sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của nó.
Implant nha khoa trong xương
Về bản chất, nó đã được tìm thấy khi bác sĩ Branemark phát hiện 1 thí nghiệm vít titanium nằm trong xương thỏ đã trở nên kết hợp cứng chắc hơn ban đầu. Implant nha khoa khi đã “tích hợp xương” có thể tồn tại ổn định đến suốt đời bên trong xương mà không cần phải lấy ra.
Về cách sử dụng Implant để phục hồi răng trên miệng, có thể phân loại implant theo số lượng phục hồi và cách thức phục hồi.
4. Các phương pháp trồng răng implant
Trồng răng Implant đơn lẻ
Khi chỉ mất 1 răng đơn lẻ hoặc 2 răng liên tiếp, giải pháp trồng răng implant trường hợp này là implant đơn lẻ. Cứ một răng mất thì được thay thế bằng một implant bên dưới cùng một mão răng sứ bên trên. Câu hỏi đặt ra là có thể để một implant cho 2 răng sứ bên trên được không? Câu trả lời là có, nhưng rất ít được dùng vì ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ implant.
Cầu răng implant (trồng nhiều răng mất)
Trường hợp mất từ 3 răng liên tiếp trở cùng 1 chỗ, ngoài implant đơn lẻ thì cầu răng trên implant để giảm số trụ implant phải cấy ghép là giải pháp thường được chọn. Như vậy 2 implant có thể nâng đỡ cho 3 răng sứ bên trên (hoặc 4), nếu khoảng mất răng dài hơn thì cần thêm trụ implant (tuỳ đánh giá của bác sĩ cho mỗi trường hợp).
Trồng răng Implant toàn hàm
Implant toàn hàm còn phân thành các loại dựa trên tính chất phục hình sau:
- Cầu răng trên implant toàn hàm
- Hàm giả (hàm phủ) toàn hàm trên implant
- Phục hình bắt vít All-on-x trên implant
Bệnh nhân mất răng toàn bộ của một hàm cần phục hồi từ 12-14 răng, theo nguyên tắc cầu răng trên implant thì cần từ 6-10 implant/ một hàm. Đây là mức chi phí và can thiệp khá lớn với hầu hết bệnh nhân, do vậy các giải pháp toàn hàm khác đã được nhiều chuyên gia trên thế giới nghiên cứu áp dụng thành công.
Đa số người mất răng toàn hàm cũng là người lớn tuổi hoặc mất răng lâu ngày, thể tích và chất lượng xương không còn tốt để cấy ghép bình thường 6-10 implant đúng vị trí. Hàm giả tháo lắp trên 2-4 implant cấy ở các vị trí xương còn tốt là cách làm biến đổi. Dù chấp nhận giảm bớt lực nhai và tuổi thọ phục hình nhưng sự cố định khi ăn nhai là cải thiện rất lớn.
Kỹ thuật “All-on-4”
Một trong những kỹ thuật mới tiến bộ nữa là implant All-on-4 ® với số lượng implant tối thiểu cho 1 hàm là 4 implant nhưng vẫn đảm bảo được chức năng, độ bền, thẩm mỹ hơn so với hàm giả trên implant.
Kỹ thuật “All-on-4” được đặt tên riêng bởi nhà sản xuất đầu tiên: công ty implant Nobel Biocare. Các implant được đặt vào các vùng còn xương tốt, kết hợp implant cấy nghiêng (thay vì cấy thẳng như implant thông thường), và dùng phục hình bắt vít để chia đều lực nhai trên các trụ.
Trồng răng All-on-4 là kỹ thuật trồng răng implant toàn hàm cố định, không phải tháo lắp (hàm giả trên implant), nên cho cảm giác phục hồi giống răng thật hơn về cả chức năng và thẩm mỹ.
Không nghi ngờ gì về ứng dụng toàn diện của implant trong tất cả lựa chọn phục hồi răng mất từ đơn lẻ đến toàn hàm,vì ưu thế về độ bền và tính cố định vững chắc của nó. Có chăng là sự cân nhắc về khả năng kinh tế, cũng như lựa chọn bác sĩ và quy trình điều trị đúng chuẩn đảm bảo tỷ lệ thành công của implant.
5. Quy trình trồng răng implant
Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu tiên là tư vấn và lên kế hoạch implant, bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá vùng sẽ cấy ghép implant, cũng như xem xét các dữ liệu hình ảnh x-quang (CT scans, phim toàn cảnh,..). Quan trọng nhất là phim CT (phim cắt lớp) để có dữ liệu theo 3 chiều không gian của vùng xương sẽ đặt implant.
Đây là thời gian bác sĩ đánh giá chất lượng và thể tích của xương hàm sẽ cấy implant, để quyết định có cần thiết phải cần thêm xương trước hoặc trong khi cấy ghép implant không.
Nếu sự chuẩn bị cho vùng cấy ghép đã xong, bệnh nhân có thể bắt đầu được cấy ghép implant vào xương theo đúng vị trí và hướng đã lên kế hoạch.
Suốt quá trình thực hiện cấy ghép, bệnh nhân được gây tê tại chỗ vùng xương sẽ đặt implant và chỉ thấy cảm giác tê trong khi bác sĩ thực hiện. Một số liệu pháp tiền mê hỗ trợ nếu cần sẽ giảm bớt lo âu và bệnh nhân thư giãn/ ngủ khi làm. Thỉnh thoảng các trường hợp cấy ghép implant can thiệp lâu và nhiều vùng hơn cũng được gây mê trong phòng mổ bệnh viện.
Giai đoạn đầu của cấy ghép implant có thể còn hiện diện răng cần nhổ. Bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp và thời điểm đặt implant sau khi nhổ răng.
Giai đoạn 2
Trong các trường hợp cấy ghép implant ở các vùng răng sau, đặc biệt là mất răng đã lâu (>1 năm), đôi khi vùng xương còn lại sau nhổ răng cũng bị thu hẹp đi nhiều do sự mở rộng xuống của xoang hàm trên (vùng rỗng chứa không khí bên trong xương hàm trên). “Nâng xoang” (“sinus lift”) là kỹ thuật được sử dụng trong trường hợp này để đẩy nền xoang hàm lên trên và ghép thêm xương vào tạo thể tích xương cho implant.
Một khi đã có 1 sự chuẩn bị phù hợp, vùng xương mất răng đã có thể cấy 1 trụ implant vào sau khi sửa soạn bằng 1 vài mũi khoan chậm cùng dụng cụ chuyên dụng.
Một trụ lành thương nướu hay trụ healing (healing cap) sẽ gắn lên trên implant (nếu được) ngay sau phẫu thuật nhằm che đậy implant và cho mô nướu bám dính xung quanh. Đôi khi implant cần được chôn vùi hoàn toàn ngay sau khi cấy và sẽ được bộc lộ gắn trụ healing vào thì 2. Một số phục hình tạm như răng giả tháo lắp, răng tạm bắt vít, cầu răng dán,… có thể được gắn cho bệnh nhân có nhu cầu thẩm mỹ.
Giai đoạn 3
Thời gian lành thương implant dao động trong khoảng 2-6 tháng. Thời gian này phụ thuộc chính vào chất lượng xương chỗ mất răng. Suốt thời gian này, implant trở nên kết hợp chặt chẽ với xương. Lưu ý về việc tránh các lực hoặc áp lực quá mức lên implant trong thời gian này để đảm bảo thành công. Các lần hẹn tiếp theo sau cấy ghép implant là để cắt chỉ và kiểm tra đảm bảo không có sự nhiễm trùng và lành thương diễn ra bình thường.
Giai đoạn 4
Sau thời gian đòi hỏi cho lành thương, một implant được kiểm tra lại để chắc chắn nó có thành công tích hợp với mô xung quanh. Nếu implant đạt, giai đoạn thực hiện phục hồi trên implant sẽ bắt đầu. Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành chỉnh sửa mô nướu và đặt trụ healing nếu chưa có hoặc cần thay đổi (phẫu thuật thì 2), việc này nhằm tạo 1 cổ nướu (lỗ xuyên nướu) phía trên implant phù hợp cho phục hồi (răng giả) trên implant. Nếu có thì bước này cần khoảng 2 tuần cho nướu lành thương.
Một khi trụ healing và nướu xung quanh lành lặn và phù hợp, bác sĩ tiến hành lấy dấu vị trí của implant và các răng còn lại gửi cho Lab nha khoa để làm phục hồi trên implant. Phục hồi này có thể là “mão răng” (chụp răng) hay “cầu răng”, được làm từ vật liệu sứ/ sứ-kim loại (gọi thông dụng là “răng sứ”).
Một thành phần quan trọng là “Abutment” (trụ phục hình) có vai trò kết nối giữa implant bên dưới xương và răng sứ bên trên. Trụ abutment kết nối với implant bằng vít, và liên kết với răng sứ bằng xi-măng hoặc vít.
Giai đoạn 5
Gắn phục hình trên implant là bước cuối cùng để hoàn thành trồng răng implant. Tuỳ loại abutment mà mão răng có thể gắn bằng xi măng (cement) hoặc bắt vít vào abutment.
Bác sĩ phục hình phải kiểm tra độ khít sát, tiếp xúc với răng kế cận, khớp cắn răng đối diện, và tính thẩm mỹ của mão răng sứ trước khi gắn. Tuỳ theo loại vật liệu mà tuổi thọ/ thẩm mỹ của phục hình trên implant sẽ khác nhau, cần bác sĩ tư vấn trước khi thực hiện.
Sau khi hoàn thành
Sau khi trồng răng implant, vấn đề quan trọng còn lại là đảm bảo tuổi thọ của implant cũng như răng sứ. Điều này phụ thuộc chính vào ý thức của bệnh nhân về vệ sinh răng miệng và tái khám chăm sóc implant. Bác sĩ có trách nhiệm hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh đúng cách, nhắc nhở tái khám và cách xử lý với các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng implant sau này.
3 thời điểm đặt implant cơ bản sau khi nhổ răng
Nhổ răng và ghép xương bảo tồn xương ổ “socket preservation”
Cấy ghép implant sau 3-4 tháng: xương nhân tạo được đặt vào ổ răng mới nhổ để tạo vùng xương đầy đủ sau khi nhổ, không bị tiêu xương ngay sau nhổ.
Nhổ răng và không ghép xương có 2 trường hợp
Nếu vùng xương không có nhiễm trùng và lành thương tốt (tuỳ cơ địa) implant được cấy ghép sau 6 tháng. Nếu xương bị tiêu đi nhiều (do nhiễm trùng,cơ địa,…) cần ghép xương lên trên “onlay bone graft” để tạo thêm thể tích xương và đợi thêm 4-6 tháng mới đặt implant
Nhổ răng và cấy ghép implant tức thì (hoặc sớm) “immediate implant”
Với điều kiện xương có thể tích tốt và không nhiễm trùng, kỹ thuật cấy ghép implant tức thì có thể được sử dụng ngay trong lần hẹn nhổ răng hoặc sớm 2-3 tuần sau nhổ (có thể có hoặc không cần ghép thêm xương)
6. Trồng răng implant giá bao nhiêu?
Chi phí trồng răng implant cho 1 răng mất có thể thay đổi khá nhiều tùy thuộc vị trí địa lý và bác sĩ hoặc phòng khám thực hiện.
- Tại Mỹ và các nước phát triển khác, chi phí đầy đủ để phẫu thuật Implant, các chi tiết khác và mão răng trên implant trung bình: 70 – 110 triệu
- Tất nhiên tại Việt Nam chi phí trồng răng Implant khá rẻ, nhất là kể cả so với các nước trong khu vực. Trung bình 15 – 35 triệu cho 1 răng implant và phục hình, cũng tùy vị trí địa lý và bác sĩ thực hiện/ chất lượng phòng khám.
Một yếu tố quan trọng trong chi phí implant tại Việt Nam là dòng hãng implant được sử dụng, vì Việt Nam chưa có công ty sản xuất được implant nha khoa. Các dòng trụ nhập khẩu từ các nước khác nhau, khác biệt công nghệ/ chất lượng/ thiết kế implant làm giá bán vật liệu tương đối cao. Chi phí trồng răng implant do đó chênh lệch tuỳ dòng implant sử dụng.
Nhìn chung chi phí trồng răng Implant tại Việt Nam là rất thấp, dù chọn các dòng trụ implant tốt nhất phù hợp cho mỗi trường hợp của bệnh nhân. Có chăng là nếu trường hợp xương không đủ để cấy ghép implant (do mất răng quá lâu), thì các chi phí ghép và tăng thể tích xương có thể làm phát sinh nhiều khi trồng răng implant.
Trồng răng implant có được bảo hiểm chi trả không?
Các công ty bảo hiểm thường không trả cho trồng răng implant. Một số ít có trả 1 phần nếu bệnh nhân cần phục hồi bằng implant. Không may là đa số các công ty bảo hiểm dù lớn hiện nay đều coi implant là phần lựa chọn khi trồng răng mất, trong khi nó đã trở thành tiêu chuẩn tối ưu của điều trị mất răng.
7. Trồng răng implant có an toàn không?
Yếu tố nguy cơ, các biến chứng và vấn đề có thể xảy ra với implant
Về cơ bản là 1 phẫu thuật, cấy ghép implant sẽ có các yếu tố nguy cơ và khả năng biến chứng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, ví dụ phẫu thuật nhổ răng khôn. Lên kế hoạch cẩn thận là quan trọng hàng đầu để đảm bảo bệnh nhân khỏe mạnh, chuẩn bị vùng răng miệng phù hợp cho phẫu thuật đặt implant.
Như các phẫu thuật khác, sự cầm máu, nhiễm trùng, dị ứng, thuốc đang sử dụng và tiền sử bệnh cần phải trung thực thông báo với bác sĩ. Một số xét nghiệm cần thiết sẽ được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện trước tiểu phẫu, nếu có nguy cơ khác thì bệnh nhân cũng có thể thực hiện dưới sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa khác.
Phẫu thuật implant được lên kế hoạch kỹ lưỡng thì rất an toàn so với nhiều phẫu thuật miệng
May mắn là cấy ghép implant lại là 1 thủ thuật có tỷ lệ thành công cao, tỉ lệ biến chứng thấp hơn rất nhiều phẫu thuật trong miệng. Vì tính bảo tồn và an toàn, hậu phẫu cấy ghép implant còn ít đau, chảy máu hoặc sưng nề so với nhổ răng.
Lựa chọn nha khoa ảnh hưởng tới sự an toàn khi của trồng răng implant
Bên cạnh đó, sự yêu cầu cao về lên kế hoạch là để đảm bảo các biến chứng sau không xảy ra: ảnh hưởng thần kinh, xoang hàm, mạch máu, các răng kế cận, gãy hoặc lỏng sút implant,…Tất cả sẽ được hạn chế nếu vị trí đặt Implant, chất lượng và thể tích xương được bác sĩ đánh giá đúng và đủ trên phim CT.
Do vậy, tầm quan trọng của bác sĩ phẫu thuật là hàng đầu: kinh nghiệm, qua đào tạo quy trình cấy ghép implant, y đức và tuân thủ nguyên tắc. Thảo luận chặt chẽ và lên kế hoạch kỹ lưỡng với bác sĩ phẫu thuật sẽ tránh được hết các nguy cơ thất bại dẫn đến phải phẫu thuật lại.
Máng hướng dẫn phẫu thuật implant là 1 khay nhựa được thiết kế kỹ thuật số in 3D dựa trên CT 3D của bệnh nhân. Kế hoạch và vị trí ảo của implant được bác sĩ lên kế hoạch sẽ chuyển thông tin lên trên máng hướng dẫn, giúp bác sĩ đặt chính xác implant vào xương theo 3 chiều không gian. Công nghệ này giảm thiểu tối đa các nguy cơ thất bại do vị trí implant.
8. Trồng răng implant có đau không?
- Giai đoạn cấy ghép trong trồng răng implant được thực hiện dưới thuốc tê và hỗ trợ khác, do đó không có đau suốt quá trình này.
- Sau khi hết thuốc tê, sự khó chịu sau phẫu thuật khác nhau tùy cơ địa mỗi người, nhưng cũng liên quan đến mức độ xâm lấn của thủ thuật. (ví dụ: nhổ răng khôn, ghép xương khối,..thì đau hơn cấy ghép implant)
- Tuy nhiên, đa số bệnh nhân phản hồi cấy ghép implant cho cảm giác sau phẫu thuật nhẹ nhàng hơn nhổ răng, có thể hoàn toàn không đau.
- Một túi chườm đá và ngày đầu tiên ngay sau phẫu thuật sẽ giảm sưng đau hiệu quả.
- Cơn đau sau khi hết thuốc tê nếu có, là dạng đau đáp ứng nhanh với thuốc giảm đau (vì không phải do viêm nhiễm, chấn thương,…). Ví dụ: Acetaminophen (Tylenol, Efferalgan), Ibuprofen (Advil).
- Các thủ thuật kéo dài và xâm lấn hơn, bác sĩ thường kê toa kháng sinh và kháng viêm trong tuần đầu, kết hợp với các nước súc miệng diệt khuẩn. Sử dụng đúng toa sẽ hỗ trợ lành thương, giảm nhanh các triệu chứng đau/ sưng nếu có.
- Đa số các phẫu thuật cấy ghép implant đều cho thấy sự dễ chịu hậu phẫu và sự kiểm soát đau rất tốt. Đó là 1 may mắn, giúp các bệnh nhân mất răng vượt qua nỗi sợ đau để phục hồi lại hàm răng và nụ cười.
9. Chăm sóc sau phẫu thuật cấy ghép implant
Lưu ý sau phẫu thuật implant:
- Răng Implant cũng có nguy cơ bị tình trạng là “viêm quanh implant”, một dạng viêm giống với “viêm nha chu” của răng thật. Viêm nha chu làm răng lung lay và sưng nướu, áp xe có mủ,…thì viêm quanh implant cũng vậy. Nguồn gốc của nó có thể là từ sự vệ sinh kém, răng kế cận bệnh lý viêm nha chu, gãy/ lỏng phục hình,…
- Sự viêm nhiễm có nguồn gốc vi khuẩn, được hỗ trợ bởi yếu tố nguy cơ khác: tiểu đường, hút thuốc lá, viêm nướu và viêm nha chu,..
- Viêm quanh implant sẽ dẫn đến mất xương quanh implant và mất implant nếu không điều trị kịp thời.
- Sau khi trồng răng implant, thói quen chăm sóc răng implant đúng cần được hướng dẫn và tuân thủ, tái khám định kỳ để tránh tình trạng này.
- Vệ sinh implant đúng không chỉ bao gồm chải răng, dùng chỉ nha – nước súc miệng và máy tăm nước (nếu có) là tiêu chuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
- Tái khám định kỳ làm sạch implant và phục hình bởi bác sĩ là bắt buộc để có tuổi thọ implant lâu dài.
- Tái khám sớm nếu có bất kỳ sự thay đổi khó chịu nào để đảm bảo không có diễn tiến xấu hơn: khớp cắn cộm cao trên răng implant, lỏng sút răng sứ, nhét chặt thức ăn,…
10. Bác sĩ nào được phép cấy ghép implant cho bệnh nhân?
Phẫu thuật cấy ghép implant được Bộ Y Tế Việt Nam cho phép thực hiện bởi bác sĩ RHM đã được cấp chứng chỉ cấy ghép nha khoa. Một số thủ thuật phức tạp hơn trong cấy ghép thì cần bác sĩ có thêm các chứng chỉ khác: Nha Chu, Phẫu Thuật Hàm Mặt, Cấy Ghép Nâng Cao,…
Tại Mỹ thì các nha sĩ có học chuyên khoa sau đại học (Specialist) về Implant, Nha Chu (Periodontist) hoặc Phẫu Thuật (Oral Surgeon) có thể thực hiện cấy ghép implant. Sau đó bệnh nhân được chuyển cho nha sĩ tổng quát (general dentist) hoặc nha sĩ phục hình (Prosthodontist) để làm phục hồi như răng sứ trên implant.
Implant là 1 lĩnh vực tiến bộ rất nhanh theo từng năm, các kỹ thuật không ngừng đổi mới và hoàn thiện. Các công cụ hiện đại mới cũng ra đời mỗi năm, đòi hỏi các bác sĩ implant phải không ngừng cập nhật, học hỏi trong và ngoài nước.
11. Vì sao bạn nên cấy ghép implant tại nha khoa EDEN?
Hệ thống nha khoa EDEN có đội ngũ bác sĩ chuyên gia về phẫu thuật implant và phẫu thuật hàm mặt hơn 10 năm kinh nghiệm, có chứng chỉ cấy ghép implant và nâng cao, đã/ đang công tác tại các bệnh viện RHM hàng đầu TpHCM. Các bác sĩ là thành viên tích cực của các hiệp hội cấy ghép Implant uy tín nhất trên thế giới: ITI, ICOI, AAID,…Quy trình cấy ghép implant tại EDEN tuân theo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng nghiêm ngặt nhất của các hiệp hội này.
THAM KHẢO:
- https://www.ada.org/~/media/ADA/Publications/Files/patient_47.pdf?la=en
- https://www.aaid-implant.org/dental-implants/types-of-implants-and-techniques/
- https://www.researchgate.net/publication/319041719_Dental_implants_An_overview
- https://www.perio.org/consumer/dental-implants
- https://www.perio.org/consumer/full-mouth-implants
- https://www.news-medical.net/health/Dental-Implant-Risks.aspx
- https://jada.ada.org/article/S0002-8177(14)62741-0/fulltext
- https://www.nobelbiocare.com/en-int/all-on-4-treatment-concept
Tài liệu:
- Gaviria L, Salcido JP, Guda T, Ong JL. Current trends in dental implants. J Korean Assoc Oral Maxillofac Surg. 2014;40(2):50-60. doi:10.5125/jkaoms.2014.40.2.50
- Searson LJ. History and development of dental implants. In: Narim L, Wilson HF, editors. Implantology in general dental practice. Chicago: Quintessence Publishing Co; 2005. pp. 19–41.