Răng khôn là răng hàm thứ ba ở phía sau miệng của bạn thường mọc lên ở độ tuổi từ 17 đến 25 và chủ yếu được phát hiện khi chụp X-quang.
Trường hợp nào cần nhổ răng khôn?
Trước khi hỏi nhổ răng khôn có đau không thì bạn nên biết trường hợp nào cần phải nhổ răng khôn?
Không phải bất kì chiếc răng khôn nào cũng cần phải nhổ bỏ. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị một trong số những trường hợp dưới đây thì cần phải xem xét.
Răng khôn cần được nhổ khi nào?
- Mọc nghiêng, lệch: răng khôn mọc đè lên các răng khác của bạn gây đau đớn.
- Miệng của bạn không đủ lớn: hàm của bạn không còn chỗ cho các răng hàm thứ 3.
- Răng khôn bị sâu: khó để vệ sinh sạch sẽ được răng khôn bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa do vị trí của chúng.
- Gây sâu răng các răng kế cận: răng khôn bị sâu nếu không được điều trị sẽ lan rộng làm viêm nhiễm và sâu các răng vùng kế cận nó.
- Gây sốt và viêm nướu: răng khôn mọc gây sưng nướu có thể được coi là bình thường nhưng đối với trường hợp mọc lệch sẽ gây ra viêm và sưng nướu kéo dài thậm chí hành sốt.
Nhổ răng khôn là thủ thuật nhổ bỏ một hoặc nhiều răng thứ 8, nằm ở sau cùng của mỗi góc hàm trên và dưới trong miệng. Bạn có thể có từ 1 đến 4 răng khôn trong miệng, nhưng cũng có thể không có chiếc nào.
Quyết định nhổ bỏ hay giữ lại sẽ được bác sĩ đánh giá kỹ càng, để xử trí những khó chịu hiện tại, đồng thời phòng ngừa những hậu quả xảy ra trong tương lai.
Các dấu hiệu nhận biết có răng khôn cần nhổ
Răng khôn mọc lệch không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng có thể bị nhiễm trùng, làm hỏng các răng lân cận và gây ra các vấn đề răng miệng khác như:
- Nướu bị mềm hoặc chảy máu.
- Nướu đỏ hoặc sưng.
- Đau và khó chịu ở hàm.
- Hôi miệng dai dẳng.
- Có vị khó chịu trong miệng.
- Khó ăn hoặc há miệng.
- Nhức đầu liên tục.
Nhổ răng khôn có đau không?
Thực tế là trong khi nhổ răng khôn bạn hầu như không thấy đau, đơn giản bởi vì có thuốc tê răng đã được bác sĩ chích cho bạn.
Bạn có thể sẽ cảm thấy một chút đau sau khi nhổ răng khôn. Cơn đau thường lên đến đỉnh điểm sau 6 giờ sau khi làm thủ thuật và có thể kéo dài nhưng giảm dần trong vài ngày. Nó thường đi kèm với sưng má và sưng hàm và được kiểm soát bằng thuốc giảm đau.
Bác sĩ phẫu thuật nha khoa có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh, đặc biệt nếu quy trình nhổ phức tạp, giúp bạn giảm đau hiệu quả hơn sau nhổ răng.
Đừng quá lo lắng về cơn đau, vì:
- Bất kỳ cơn đau nào liên quan đến thủ thuật loại bỏ răng khôn thường sẽ xảy ra trong thời gian phục hồi mà không phải trong quá trình nhổ.
- Bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ kê đơn thuốc giảm đau để kiểm soát bất kỳ sự khó chịu nào.
- Nên duy trì chế độ ăn thức ăn mềm, sẽ tạo cảm giác thoải mái cho bạn trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
- Bạn cũng sẽ nhận được các hướng dẫn trước và sau phẫu thuật cùng với các lời khuyên về cách kiểm soát cơn đau và phục hồi một cách nhanh nhất có thể.
Các loại thuốc gây tê
Loại thuốc tê mà nha sĩ sẽ tiến hành cho bạn trước khi thực hiện sẽ tùy từng trường hợp. Sau đây là một số loại gây tê khác nhau:
Gây tê cục bộ (gây tê tại chỗ)
- Bệnh nhân được gây tê tại chỗ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình.
- Bạn không phải chịu bất kỳ đau đớn nào. Cảm giác duy nhất mà bạn có là một lượng áp lực cảm nhận do thao tác của bác sĩ tại vị trí đang điều trị.
Gây mê an thần (tiền mê)
- Người được gây mê an thần không tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình và hoàn toàn không cảm thấy đau.
- Một đặc tính khác của thuốc mê an thần là tác động lên trí nhớ ngắn hạn. Bạn thường không có hồi ức về thủ thuật. Nó có thể được sử dụng cho trẻ em.
- Hình thức gây mê này khá tốn kém và cũng không được bảo hiểm nha khoa chi trả. Bạn có thể yêu cầu thực hiện nó trong bệnh viện hoặc một số phòng khám chuyên phẫu thuật.
Gây mê toàn thân
- Đối với gây mê toàn thân, bạn hoàn toàn bất tỉnh và không có nhận thức về môi trường xung quanh, không cảm thấy đau đớn trong quá trình thực hiện.
- Gây mê toàn thân cũng có tác động đến trí nhớ ngắn hạn.
- Trong một số trường hợp, thuốc gây tê cục bộ sẽ được sử dụng kết hợp với gây mê toàn thân.
Nitrous và gây tê cục bộ
- Nitrous (khí cười) và gây tê cục bộ là cách gây mê khá mạnh và hiệu quả. (Phổ biến ở Mỹ)
- Sự kết hợp này có tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương và làm cho bạn cảm thấy hưng phấn. Giảm lo lắng đặc biệt cho các bệnh nhân sợ hãi nhổ răng
- Đây là một dạng gây mê có giá thành rẻ và hết tác dụng rất nhanh so với các dạng gây mê khác.
Có một số nhược điểm của việc sử dụng phương pháp này:
Bạn tỉnh táo trong quá trình này. Đây không phải là một trải nghiệm hoàn hảo vì bạn có thể nghe thấy tiếng ồn do các dụng cụ dùng để nhổ răng. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy một áp lực đáng kể lên vị trí nhổ răng.
Một bất lợi khác của việc sử dụng nitơ là gây ra cảm giác buồn nôn ở một số người, chúng khá khó chịu. Tuy nhiên, đó là một tác dụng phụ tạm thời mà không phải ai cũng bị.
Quy trình nhổ răng khôn
Bước chuẩn bị
Trước khi nhổ răng khôn, bạn sẽ được nha sĩ hỏi về tiền sử bệnh, như: có các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,…hay không; để cân nhắc về các biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi nhổ răng.
Phim quanh chóp, toàn cảnh, hoặc CT (phim khảo sát trong không gian 3 chiều), sẽ được đề nghị bởi nha sĩ, tùy theo mức độ phức tạp của răng mà đòi hỏi những phim chụp khảo sát chi tiết hơn , để đánh giá chính xác vị trí răng và mối liên hệ với các cấu trúc xung quanh như: răng kế cận và thần kinh hàm dưới.
Vệ sinh và sát khuẩn
Để tránh các tình trạng viêm nhiễm, nha sĩ sẽ tiến hành các bước vệ sinh và sát khuẩn kỹ lưỡng toàn bộ vùng răng miệng của bạn.
Gây tê – gây mê
Bước này là hoàn toàn cần thiết, nó giúp bạn không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình điều trị.
Tùy thuộc vào vị trí của răng khôn và mức độ khó, nha sĩ có thể gây tê cục bộ, toàn thân hoặc an thần.
Nhổ răng khôn
Tùy từng trường hợp mà quá trình nhổ sẽ khác nhau:
- Nếu chiếc răng khôn vẫn còn nằm sâu trong đường viền nướu, nha sĩ sẽ rạch một vết trên nướu để lộ răng và xương.
- Đối với chiếc răng khôn “cứng đầu” gây khó nhổ, nha sĩ sẽ chia thành từng phần thân răng.
- Chiếc răng khôn nếu đã mọc hoàn toàn và lộ ra ngoài thì thường rất nhanh để nhổ bỏ chúng.
Bước hoàn tất
Vị trí vừa được điều trị sẽ được “dọn dẹp” bằng cách làm sạch và loại bỏ mọi mảnh vụn còn sót lại. Sau đó, nó được khâu lại (nếu cần).
Tiếp đến, nha sĩ sẽ đắp gạc lên vị trí vừa điều trị xong, cho bạn cắn lại để giúp cầm máu và hỗ trợ hình thành cục máu đông.
Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ
Sau khi nhổ răng xong bạn có thể quay lại hoạt động hằng ngày như bình thường và hầu như không cảm thấy đau đớn quá nhiều.
Có thể bạn phải kiêng ăn một số loại thực phẩm đế tránh làm tổn hại đến vết thương.
Một vài lưu ý khác bạn cần tuân thủ để hạn chế nhiễm trùng và những biến chứng:
Những điều nên làm
- Cắn chặt gòn trong 30 phút sau khi nhổ răng, để hình thành cục máu đông, giúp cầm máu.
- Máu rỉ ra sau khi nhổ có thể nuốt xuống.
- Chườm đá bằng khăn hoặc túi chườm lạnh phía ngoài da (5 phút chườm, 5 phút nghỉ) vào vị trí răng khôn vừa mới nhổ trong ngày đầu sau khi nhổ răng.
- Ăn uống đồ mềm, nguội hoặc lạnh, như: cháo nguội, sinh tố, nước ép,…
- Đánh răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa đều đặn.
- Uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ.
Những điều không nên làm
Nhổ răng khôn có đau không còn phụ thuộc vào cách chăm sóc răng miệng của bạn sau quá trình nhổ.
Để tránh bị đau sau khi nhổ răng khôn, bạn nên tránh một số điều:
- Không súc miệng hay khạc nhổ mạnh, để giúp giữ cục máu đông không bị rơi ra khỏi ổ răng vừa mới nhổ, giúp máu được cầm tốt.
- Không vận động mạnh, không sử dụng bia rượu, thuốc lá 2-3 ngày sau khi nhổ răng.
- Không nên chải răng mạnh ở vị trí vừa nhổ răng, chỉ đánh răng nhẹ nhàng.
- Hạn chế ăn uống đồ nóng, cứng.
Nếu quá trình lành thương tốt và không xảy ra biến chứng, một vài ngày sau bạn sẽ có cảm giác bình thường trở lại.
Trong trường hợp vị trí răng nhổ được khâu bằng chỉ tự tiêu, thì bạn có thể không cần phải quay lại phòng khám. Nếu không, bạn cần quay lại phòng khám để cắt chỉ trong 7-10 ngày sau khi nhổ răng khôn.
Kết Luận
Nếu bạn đang gặp phải một số triệu chứng khó chịu do răng khôn nhưng vì sợ đau mà không dám đến khám thì bạn nên biết rằng. Cơn đau mà bạn đang phải chịu và những cơn đau có thể xảy ra do biến chứng khi không được điều trị kịp thời còn đáng sợ hơn gấp 100 lần.
Nha khoa EDEN, với công nghệ máy móc tiên tiến, bác sĩ có trình độ cao cùng liệu trình nhổ răng không đau chắc chắn sẽ giúp các bệnh nhân an tâm khi cần phải nhổ răng khôn. Bạn hãy hẹn lịch để thăm khám răng khôn với tinh thần thật thoải mái nhé.
Xem thêm về 11 điều bạn cần lưu ý sau khi nhổ răng khôn.