
Chắc hẳn đâu đó bạn cũng đã nghe qua một hoặc vài lần những vấn đề trong miệng như mòn men răng, hư men răng. Vậy men răng là gì? Phân biệt thế nào với ngà răng, cao răng, vôi răng, mảng bám,…Nó có lợi ích gì với cơ thể? Vì sao bạn thường bị mòn men răng? Bác sĩ sẽ giúp phải giải đáp hầu hết các thắc mắc này qua bài viết sau.
Men răng là gì?
Men răng là lớp ngoài cùng của răng, và là mô cứng nhất trong cơ thể con người, có độ khoáng hóa cao. Men răng giúp bảo vệ răng tránh khỏi những tổn thương do vi khuẩn hoặc một số tác động bên ngoài.
Có bốn mô chính tạo nên răng ở người và nhiều loài động vật khác, bao gồm cả một số loài cá. Men răng là một trong số đó. Nó giống như lớp vỏ mỏng của quả táo, bao phủ bề mặt răng, chỉ khác là men răng có màu trắng hoặc trắng nhạt.
Một số thói quen xấu gây hại đến men răng
- Nghiến răng
- Nhai nước đá
- Ăn vặt quá nhiều lần trong ngày
- Ăn nhiều thức ăn có đường và tinh bột
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều bia, rượu: thói quen này có thể dẫn đến tình trạng khô miệng hoặc nôn mửa. Ảnh hưởng xấu đến men răng, sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể.
- Không chải răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn
- Chải răng quá mạnh
Men răng có tự phục hồi không?
Cơ thể chúng ta sự sản sinh ra men răng nhưng không thể tự phục hồi nó. Răng cũng không thể tự mọc lại (ngoại trừ thay răng sữa) hoặc tự chữa lành khi bị sâu răng.
Tuy nhiên, nha sĩ có thể giúp bạn phục hồi men răng bằng cách xây dựng mội “đội ngũ” mới để bảo vệ cho răng của bạn như: trám răng, dán răng sứ, mão răng,…
Mảng bám có gây mòn men răng không?
Mảng bám là gì?

Mảng bám răng là một lớp màng dính được tạo thành từ nước bọt, các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn và các chất khác,…Nó tích tụ lên trên bề mặt men răng sau khi ăn vài giờ, và có thể được làm sạch với các biện pháp vệ sinh răng miệng.
Mảng bám hình thành ở đâu?
Máng bám thường hình thành ở:
- Giữa các kẽ răng
- Đường viền nướu
- Quanh miếng trám
- Kẽ răng hàm
Như bạn đã thấy, mảng bám thường hình thành ở những vị trí “đắc địa” – nơi mà các mảnh vụn thức ăn dễ đọng lại và thường khó vệ sinh được sạch sẽ.
Vì vậy, vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn có thể giúp ngăn ngừa mảng bám.
Vôi răng (cao răng) là gì?
Vôi răng hay cao răng không phải là “men răng” như nhiều người lầm tưởng. Nó là một lớp cứng hình thành do sự canxi hóa của mảng bám tích tụ lâu ngày trên bề mặt răng.
Lớp vôi răng cản trở sự vệ sinh răng miệng của bạn, khiến mảng bám tích tụ nhiều hơn. Đồng thời nó thường bám xung quanh viền nướu nên khiến nướu răng bị tách khỏi mặt răng. Tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công gây bệnh viêm nướu làm nướu răng dễ bị chảy máu, sưng đỏ, đau nướu,…
Cạo vôi răng không phải là “cạo men răng”, cũng không gây hại lên men răng như nhiều người nghi ngờ. Nó là điều trị cần thiết và bắt buộc với tất cả mọi người định kỳ mỗi năm, để bảo vệ răng khỏi các bệnh nướu và sâu răng có thể gây ra mất răng.
Nguyên nhân hình thành mảng bám?
Mảng bám hình thành là do sự tích tụ của vi khuẩn trên các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong kẽ răng.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có trong thức ăn như: kẹo, sữa, nước ngọt, chuối, quả việt quất,… sẽ tạo điều kiện hình thành mảng bám trong các kẽ răng do vi khuẩn “rất thích” bám vào các loại thức ăn này.
Hầu như rất nhiều loại thực phẩm có các chất có thể gây hại cho răng và nhưng chúng ta không thể “kiêng” được tất cả. Một số trong chúng có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn có thể hạn chế bằng cách vệ sinh răng sau mỗi bữa ăn hoặc súc miệng lại với nước sau khi ăn.
Việc bạn không vệ sinh răng miệng đúng cách hoặc chải răng quá nhanh, mảng bám sẽ có thêm thời gian để tích tụ.
Mảng bám có gây hại men răng không?
Mảng bám có thể làm mòn men răng. Cấu tạo của nó được hình thành từ khá nhiều thứ mà trong đó có vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn. Đây là hai yếu tố “chẳng lành” một khi kết hợp lại sẽ trở thành nguyên nhân chính của hầu hết các bệnh lý ở răng miệng.
Vi khuẩn có khả năng biến đổi lượng đường hay tinh bột trong thức ăn thành axit. Các axit trong mảng bám sẽ bắt đầu ăn mòn các khoáng chất tự nhiên có trong men răng. Lâu ngày nó làm mòn men răng, nặng hơn là nó gây sâu răng, tạo 1 lỗ trên bề mặt men răng và mở rộng lỗ này đến ngà răng.
Ngà răng
Ngà răng là phần của răng nằm bên dưới men răng, và bao bọc bên ngoài tủy răng (thần kinh và mạch máu của răng). Nó chứa các ống cực nhỏ (ống hoặc ống rỗng nhỏ). Khi ngà răng mất đi lớp bảo vệ (men răng), các ống này cho phép nhiệt và lạnh hoặc thức ăn có tính axit hoặc dính kích thích các dây thần kinh và tế bào bên trong răng, gây ê buốt răng.
Dấu hiệu của mòn men răng là gì?

Một số dấu hiệu cho thấy bạn đã bị mòn men răng:
- Răng nhạy cảm với nóng, lạnh: nhiệt độ từ thức ăn sẽ dễ dàng đi xuyên qua các lỗ trên men răng (không thể nhìn thấy bằng mắt) dẫn đến các dây thần kinh bên trong gây đau nhói.
- Răng đổi màu: khi men răng bị mài mòn sẽ để lộ ngà răng – gây đổi màu răng một cách dễ dàng hơn khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm có màu sẫm.
- Răng bị mẻ hoặc lỗ chỗ: các cạnh răng trở nên thô ráp, không đều và lởm chởm khi răng bị mài mòn.
- Bền mặt răng nhẵn, bóng: đây là dấu hiệu của việc mất khoáng chất do mòn men răng.
- Răng nhạy cảm nghiêm trọng hoặc đau nhói: mòn men răng lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng này. Cơn đau nhói và ê buốt ở răng sẽ ngày càng dữ dội hơn nếu không được điều trị.
- Sâu răng: mòn men răng lâu ngày sẽ gây ra các lỗ hỏng trên răng – thường ở mặt nhai của các răng hàm.
Men răng không thể tự phục hồi. Một khi nó bị tổn thương thì các lớp bên trong như: ngà răng, tủy răng, dây thần kinh,… sẽ mất đi lớp bảo vệ. Vì vậy, sâu răng là căn bệnh dễ gặp khi men răng bị mòn. Sâu răng kéo dài không được điều trị có thể dẫn tới viêm tủy, áp xe,…
Khi men răng bị bào mòn, răng sẽ dễ bị sâu răng. Khi sâu răng xâm nhập vào lớp men cứng, nó sẽ xâm nhập vào phần thân chính của răng.
Làm thể nào để ngăn ngừa mòn men răng?
Một số mẹo giúp bạn hạn chế tình trạng xói mòn men răng:
- Hạn chế ăn hoặc uống những thực phẩm có tính axit hoặc súc miệng lại bằng nước sạch sau khi ăn những thực phẩm này.
- Sử dụng ống hút để uống các loại nước như: coca, soda, nước cam,.. để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với răng.
- Uống một ly sữa sau bữa ăn có thể giúp loại bỏ axit.
- Nên ăn vặt cùng một lúc sẽ dễ vệ sinh răng miệng hơn thay vì ăn nhiều lần trong ngày.
- Nhai kẹo cao su không đường: giúp tăng tiết nước bọt lên gấp 10 lần – hỗ trợ răng chắc khỏe hơn bởi các khoáng chất quan trọng có trong nước bọt. Kẹo cao su không đường có xylitol sẽ giúp giảm lượng axit có trong thức ăn.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu bạn hay bị khô miệng.
- Hạn chế bia, rượu, thuốc lá.
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày hoặc chứng ăn vô độ nếu có.
Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách

- Sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng có chứa fluor: hỗ trợ làm chắc răng.
- Chải răng ít nhất 2 phút/ lần và 2 lần/ ngày
- Dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm
- Thăm khám nha khoa, làm sạch răng định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để loại bỏ mảng bám,..
Có nên sử dụng nhiều florua để bảo vệ răng?
Florua là một chất hữu ích trong việc ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều trong một thời gian dài có thể dẫn đến răng bị nhiễm fluor – có nguy cơ cao xảy ra ở trẻ em và gây ra các thay đổi hình thái của men răng.
Trẻ em dễ bị nhiễm fluor ở răng có thể do ăn quá nhiều chất bổ sung có chứa florua hoặc uống nước có chứa fluor. Bên cạnh đó, nuốt kem đánh răng có fluor cũng là nguy cơ gây ra căn bệnh này.
Tình trạng nhiễm fluor nhẹ thường không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, răng sẽ có dấu hiệu đổi màu, bị mòn hoặc lủng lỗ và rất khó để làm sạch.
Điều trị mòn men răng
Điều trị mòn men răng hay còn gọi là phục hồi men răng bằng một số cách như: trám răng, mão răng, bọc răng sứ,…
Các phương pháp này giúp bảo vệ răng tránh khỏi các tác nhân có hại trong quá trình sinh hoạt cũng như ăn uống.
Ngoài ra, nó còn giúp mang lại vẻ đẹp cũng như tái tạo lại hình dạng cho chiếc răng đã bị hư tổn nặng.
Điều trị bằng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng răng và nhu cầu của bạn.
Men răng là một hàng rào giúp bảo vệ răng. Nó không thể tự mọc lại nên bạn cần phải luôn trân trọng và gìn giữ nó. Bên cạnh đó, phải luôn chăm sóc và kiểm tra răng miệng định kỳ. Nha khoa EDEN ngoài giải đáp thắc mắc “men răng là gì?” còn giúp bạn có được những mẹo vô cùng hữu ích giúp bảo vệ men răng cũng như sức khỏe răng miệng tổng thế. Vì vậy, hãy luôn bỏ túi những kiến thức này để luôn bảo vệ tốt sức khỏe răng miệng nhé.