
Nướu bị sưng thường dễ bị chảy máu khi đánh răng, khi dùng chỉ nha khoa, hoặc ăn thứ gì đó giòn hoặc cứng. Sưng nướu răng có thể kèm theo đau rát, hôi miệng, tụt nướu,…Đó thường là dấu hiệu cho thấy nướu bạn đang bị viêm nhiễm. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến sưng nướu và cách điều trị phòng ngừa triệu chứng này.

1. Nướu răng là gì?
Nướu răng là một phần mô mềm bao quanh răng, liên kết chặt chẽ với xương bên dưới. Khi nướu khỏe mạnh, nó tạo ra một rào cản hiệu quả để ngăn chặn sự xâm phạm của vi khuẩn. Nướu răng khỏe mạnh có màu hồng nhẹ, hoặc lấm tấm da cam với những người có màu da sáng. Và có thể có màu sẫm hơn với những người có màu da ngăm.

2. Sưng nướu răng là gì?
Nướu răng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng.
Nếu nướu của bạn bị sưng, chúng có thể nhô ra hoặc phình to lên so với kích thước bình thường. Sưng nướu thường bắt đầu từ nơi nướu tiếp xúc với răng. Nướu của bạn có thể trở nên sưng tấy đến mức che mất một phần lớn của răng, làm răng trông có vẻ bị ngắn đi.
Nướu bị sưng có màu đỏ (đôi khi đỏ sẫm), thay vì màu hồng hay lấm tấm da cam như bình thường.

Nướu răng bị sưng còn được gọi là sưng nướu hay sưng lợi răng.
Nướu sưng thường dễ bị kích thích, nhạy cảm hoặc đau. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng nướu răng của bạn dễ chảy máu hơn khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, hoặc khi xỉa răng.
3. Nguyên nhân gây sưng nướu răng?
Sưng nướu răng có thể do nguyên nhân bên trong: rối loạn nội tiết tố, bệnh lý viêm nhiễm, thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh toàn thân, suy dinh dưỡng… Hoặc do nguyên nhân từ bên ngoài như: vôi răng (cao răng), chấn thương,…

3.1. Viêm nướu và viêm nha chu
3.1.1. Viêm nướu
Viêm nướu là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng nướu răng. Đây là một bệnh phổ biến về nướu khiến nướu của bạn sưng đỏ, đau và dễ chảy máu.
Nhiều người thậm chí không biết mình bị viêm nướu vì các triệu chứng ban đầu có thể khá nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, viêm nướu kéo dài có thể dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều gọi là viêm nha chu . Có thể khiến răng lung lay và dẫn đến mất răng.
Viêm nướu thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ trên răng, gần vị trí nướu.
Mảng bám răng là một lớp màng phủ trên răng bao gồm vi khuẩn và các mảnh thức ăn lắng đọng trên răng, có thể được loại bỏ khi chải răng hay dùng chỉ nha khoa, tăm nước. Nếu mảng bám tích tụ lâu ngày, nó sẽ trở thành vôi răng hay cao răng.
Vôi răng là những mảng bám cứng hình thành trên răng dễ gây ra viêm nướu. Bạn thường không thể loại bỏ nó bằng các cách vệ sinh răng miệng thông thường. Đây là lúc bạn cần đến gặp nha sĩ.
3.1.2. Viêm nha chu
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm khuẩn gây phá hủy mô quanh răng, thường bắt nguồn từ viêm nướu. Mức độ phá hủy mô quanh răng nghiêm trọng hơn so với viêm nướu. Vệ sinh răng miệng kém, đái tháo đường, hút thuốc hoặc stress,…sẽ góp phần làm bệnh lý viêm nha chu tiến triển nhanh hơn.

Kèm theo sưng nướu, những triệu chứng sau thường có ở bệnh nhân bị viêm nha chu:
- Chảy máu nướu: Có thể chảy máu tự nhiên, hoặc trong lúc chải răng, ăn nhai, thăm khám tại nha khoa. Chảy máu có thể kéo dài lâu ngưng chảy.
- Răng lung lay và di chuyển: Do sự phá hủy dây chằng neo giữ chân răng vào xương (dây chằng nha chu), gây mất bám dính. Lung lay ít hoặc nhiều đến mức có thể dùng tay khiến răng di chuyển. Tiến triển lâu dần sẽ dẫn đến mất răng.
- Hôi miệng: Vi khuẩn gây bệnh nha chu khi tiếp xúc với thành phần chứa đường. Sẽ tạo ra hợp chất lưu huỳnh bay hơi nhiều gấp 10 lần, so với vi khuẩn không gây bệnh. Do vậy, mùi hôi tạo ra sẽ gây khó chịu.
- Tụt nướu: Nướu hư tổn sẽ bị tụt xuống, bộc lộ bề mặt chân răng gây mất thẩm mỹ, và dễ bị nhạy cảm, hay ê buốt.
- Chảy mủ, áp xe: Răng có hiện tượng sưng ở nướu. Khi dùng tay ấn nhẹ vào, mủ sẽ chảy ra dễ dàng. Áp-xe nha có có thể dẫn tới biến chứng toàn thân như viêm phổi hoặc áp-xe màng não.
- Túi nha chu: Khe nướu quanh răng bị tổn thương sẽ tạo thành túi nha chu (túi nướu / túi lợi). Túi càng sâu càng khó vệ sinh, gây hôi miệng, và làm trầm trọng hơn bệnh viêm nha chu.
3.2. Thai kỳ
Nướu bị sưng cũng có thể xảy ra khi mang thai. Lượng hormone cơ thể sản sinh ra trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng lưu lượng máu ở nướu răng. Sự gia tăng lưu lượng máu này có thể khiến nướu của bạn dễ bị kích ứng, dẫn đến sưng tấy.
Những thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng có thể cản trở khả năng cơ thể bạn chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu. Điều này có thể làm tăng khả năng mắc bệnh viêm nướu, nếu không chú ý vệ sinh răng miệng tốt trong thời kỳ mang thai.
3.3. Suy dinh dưỡng
Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B và C có thể gây sưng nướu răng.
Ví dụ: Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì và hồi phục nướu. Nếu lượng vitamin C giảm quá thấp, đối với thể trạng suy dinh dưỡng, sẽ dễ dẫn đến bệnh viêm nướu răng và lâu hồi phục.
Ở các nước phát triển, tình trạng suy dinh dưỡng là không phổ biến. Người lớn tuổi và mắc bệnh sẽ thường gặp nhiều hơn.
3.4. Sử dụng thuốc
Với những người lớn tuổi thường sử dụng thuốc amlodipin để điều trị điều trị cao huyết áp (tăng huyết áp), hoặc đau ngực (đau thắt ngực). Và điều trị các vấn đề khác gây ra bởi bệnh động mạch vành.
Ở các bệnh nhân này, sưng nướu răng thường phát triển tăng kích thước quá mức, phủ lên cả bề mặt răng. Làm thân răng trông có vẻ ngắn lại và gây mất thẩm mỹ.

3.5. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là do vi khuẩn, nấm và vi rút. Nguyên nhân thường gặp là hiện diện các vật lạ : xương cá, tăm xỉa răng, thun chỉnh nha,…hoặc do gãy chân răng, nứt chân răng, ngoại tiêu chân răng, răng bị chết tủy,…
Nếu bạn bị bệnh herpes (mụn rộp) có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là viêm nướu do vi rút herpes, gây sưng nướu răng.
Sâu răng không được điều trị, lâu dần làm chết tủy răng, gây ra nhiễm trùng. Nhiễm trùng từ chân răng chết tủy có thể thông ra ngoài nướu răng. Gây chảy dịch viêm, hoặc dịch mủ ra bên ngoài nướu vùng răng bị nhiễm trùng. Kèm theo là triệu chứng sưng nướu tương ứng vùng răng bị nhiễm trùng.
Tình trạng trên còn gọi là áp-xe, cần sớm được điều trị. Khi nhiễm trùng lan rộng có thể gây viêm mô tế bào, làm sưng mặt hay mô mềm gần tổn thương, kèm phá hủy mô xương bên dưới răng.
3.6. Sâu kẽ răng
Sâu kẽ răng thường tạo lỗ sâu ở gần vị trí nướu răng, đôi khi khó phát hiện bằng mắt thường. Cần dựa vào thăm khám kĩ trên miệng bằng dụng cụ chuyên dụng nha khoa. Thường kèm theo phim X-quang để đánh giá được chính xác.
Lỗ sâu ở vị trí giữa 2 răng và gần về phía nướu, tạo điều kiện cho mảnh vụn thức ăn nhồi nhét, mảng bám chứa vi khuẩn tích tụ, gây khó vệ sinh. Lâu dần gây viêm và sưng nướu răng tại vị trí nướu gần với lỗ sâu.
Lỗ sâu ở kẽ răng cần được trám răng hoặc phục hình răng để tái tạo lại đúng giải phẫu. Kèm theo điều trị viêm nướu khác, cũng như duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt tại nhà. Điều trị đúng sẽ phục hồi giảm sưng nướu, giảm đau và chảy máu, cũng như hạn chế nhồi nhét thức ăn gây tái phát.

4. Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng nướu răng. Mà có chẩn đoán, và phương pháp điều trị cũng như phòng ngừa phù hợp.
Đối với các nguyên nhân gây sưng nướu từ bên trong như : rối loạn nội tiết tố, bệnh lý viêm nhiễm, có sử dụng thuốc để điều trị bệnh toàn thân, suy dinh dưỡng…Bên cạnh điều trị tại nha khoa, thì cần sự kết hợp với bác sĩ chuyên môn khác để điều trị các vấn đề liên quan yếu tố toàn thân hoặc bệnh lý toàn thân.
Nhìn chung, sưng nướu thường là triệu chứng của viêm nướu, hoặc nặng hơn là viêm nha chu (viêm nướu răng và cả xương ổ răng). Quá trình điều trị sưng nướu do viêm nướu tùy theo mức độ nặng hoặc nhẹ, mà sẽ tiến hành điều trị đơn giản hoặc phức tạp.
Các điều trị nha khoa có thể thực hiện, bao gồm:
- Cạo vôi siêu âm
- Nạo túi nha chu (làm sạch túi nha chu)
- Phẫu thuật lật vạt nạo túi nha chu
- Phẫu thuật tái tạo mô nha chu
- Nẹp răng (cố định răng lung lay)
- Trích rạch áp xe
- Điều trị với kháng sinh
- Trám răng
- Điều trị lấy tủy răng
- Nhổ răng

Thông qua các biện pháp thăm khám, chụp phim X-quang để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác định chính xác nguyên nhân và mức độ tổn thương của mô nướu, cũng như mức độ tổn thương hay viêm nhiễm các cấu trúc răng liên quan như: dây chằng nha chu, xương ổ răng,…Từ đó bác sĩ đưa ra kế hoạch phù hợp.
Điều trị sưng nướu răng phần lớn là điều trị viêm nướu và viêm nha chu, thông thường sẽ bao gồm 2 mức độ điều trị sau:
4.1 Điều trị viêm nướu đơn giản không phẫu thuật
- Đầu tiên là cạo vôi răng bằng dụng cụ rung siêu âm hoặc dụng cụ cạo vôi bằng tay chuyên dụng để làm sạch vôi răng.
- Đánh bóng răng.
- Dùng dung dịch súc miệng hoặc gel bôi điều trị viêm nướu, hoặc thuốc điều trị viêm nướu nếu cần thiết. Đặc biệt khi tình trạng sưng nướu răng nhiều, gây đau và chảy máu.
- Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách. Vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hồi phục mô nướu. Đảm bảo sự lành mạnh của nướu răng và cấu trúc nâng đỡ cho răng.
- Tái khám định kỳ theo lời dặn dò của nha sĩ.
Điều trị viêm nướu đơn giản được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ yếu tố gây viêm nướu, làm sạch và đem lại sự lành mạnh cho mô nướu, giảm đi các triệu chứng sưng nướu răng, chảy máu nướu và đau nướu răng.

4.2 Điều trị sưng nướu và viêm nha chu có phẫu thuật
Đối với nhiều bệnh nhân, phương pháp điều trị viêm nướu đơn giản kết hợp với chế độ chăm sóc và duy trì thích hợp sẽ đủ để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh viêm nướu tiến triển nặng hơn (viêm nha chu), sẽ xuất hiện các tổn thương viêm nhiễm nằm sâu bên dưới, gây phá hủy xương và các cấu trúc bao quanh răng.
Nên cần có giai đoạn thứ hai là phẫu thuật để tiếp cận các khu vực sâu bên dưới răng nhằm làm sạch và phục hồi lại các cấu trúc bị hư tổn.
Giai đoạn phẫu thuật này cũng áp dụng cho các trường hợp sưng nướu răng nặng hay phì đại nướu răng, che phủ lên thân răng, gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo lại hình dạng nướu răng cũng giúp cải thiện thẩm mỹ nụ cười cho bệnh nhân.
Điều trị phẫu thuật có thể tiến hành từ 2-6 tháng sau khi kết thúc điều trị viêm nướu đơn giản. Nhằm giúp cải thiện chất lượng mô nướu trước khi can thiệp phẫu thuật.

5. Những điều nên làm và không nên làm
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn ngăn ngừa sự tiến triển sưng nướu răng, cũng như hạn chế tình trạng viêm nướu tiến triển nặng. Tạo môi trường lành mạnh cho nướu răng hồi phục và khỏe mạnh.
5.1 Những điều nên làm
- Đặt lịch hẹn với nha sĩ. Hãy cho nha sĩ biết tình trạng của bạn để sớm khắc phục hậu quả.
- Cải thiện vệ sinh răng miệng của bạn. Chải răng đúng động tác sau khi ăn với bàn chải lông mềm, và nên dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để vệ sinh hiệu quả những vùng lông bàn chải khó tới được.

- Chế độ ăn uống tốt hơn. Tăng cường trái cây và rau củ.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng, nên pha với nước đun sôi để nguội hoặc súc miệng với nước muối sinh lý, nhằm đảm bảo nguồn nước được sạch. Trường hợp nướu răng bị chảy máu nhiều, hoặc đang đau rát, có thể dùng dung dịch súc miệng như: KIN, Eludril,…Nhưng không nên sử dụng lâu dài vì có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, cần có sự phối hợp với nha sĩ.
- Nên ăn thức ăn mềm, nguội hoặc lạnh để hạn chế tác động không tốt lên vùng nướu.
5.2 Những điều không nên làm khi sưng nướu răng
- Không nên sử dụng nước súc miệng chứa cồn, có thể làm nặng nề thêm tình trạng nướu sưng.
- Không sử dụng rượu và thuốc lá. Những sản phẩm này có thể khiến tình trạng viêm nướu , hay sưng nướu răng trở nên tồi tệ hơn
- Không nên bỏ lịch hẹn tái khám với nha sĩ để kiểm tra và điều trị khắc phục sớm tình trạng sưng nướu răng, và các tổn thương liên quan.

Chăm sóc răng miệng tốt và thường xuyên đi khám răng định kỳ là cách tốt nhất để ngăn ngừa sưng nướu răng. Nha sĩ sẽ phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mà bạn không thấy được, thông qua thăm khám chuyên sâu trong miệng, và phim X-quang. Các vấn đề răng miệng sẽ sớm được khắc phục trước khi gây ra các hậu quả nặng nề, giúp hạn chế các điều trị phức tạp hơn.